Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Mùa hoa gạo nở trong ký ức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Cây gạo cổ thụ đầu làng đã bị người ta chặt. Tôi cũng không nhớ từ khi nào, nhưng mỗi lần về làng, dừng lại nơi đó vẫn cứ thấy bồi hồi. Giờ những chùm hoa đỏ chỉ còn chập chờn trong ký ức.

Cũng không biết từ khi nào hoa gạo lại gắn liền với tháng 3. Bởi thế, nhiều câu ca cũng ra đời từ đó. Tháng ba đom đóm bay ra, hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng. Hay Bao giờ cho đến tháng 3/Hoa gạo rụng xuống bà già đắp chăn. Cũng không ít người đọc thành “bà già cất chăn”, ý ám chỉ khi hoa gạo nở cũng là thời điểm xuân sắp tàn để đón cái hè oi ả. Mỗi bông hoa giống như một đốm lửa nhỏ. Nếu cả cây cùng nở rộ, chẳng khác gì ngọn đèn hoa khổng lồ.

Hoa gạo vốn gắn liền với các vùng quê, đặc biệt ở phía Bắc. Đầu làng nào cũng trồng cây gạo như một tín hiệu báo thời gian. Đông đến, cây gạo chỉ còn những thân, cành trơ trọi, khẳng khiu chờ những nụ nhú lên rồi to dần và bung nở. Khi lá non xum xuê, ẩn trong những tán lá là những quả nhỏ chứa các sợi, trắng tựa như sợi bông xen kẽ hạt.

Tôi chẳng nhớ cây gạo đầu làng mình có từ khi nào. Khi đến tuổi cắp sách đến trường, mỗi mùa hoa nở, đám học sinh chúng tôi đều cố đi sớm một chút, hay buổi chiều về nán lại lâu hơn để lượm những bông hoa mới rụng, còn tươi rói kết thành cả xâu như đèn hoa. Vì thân cây chằng chịt gai nên ít ai dám trèo lên để lấy nụ, hoa của nó.

Vậy nên, cả đám học sinh đành lấy hoa, nụ gạo bằng cách ném gạch, đá hay những mẩu cây nhỏ. Những nụ hoa chưa nở còn tách được lớp vỏ ngoài ra ăn. Hay bóc vào lớp trong cùng còn có hạt gạo, ăn bùi hơn cả đậu phộng. Đến khi cây gạo kết quả rồi quả khô, những sợi bông trắng phất phơ rụng xuống, đám học trò lại túm tụm đi lượm. Sợi bông gạo trắng, còn mềm và êm. Tuổi thơ của chúng tôi cứ thế lớn lên dưới tán những gốc cây gạo mà thấy dường như cây chẳng già đi. Bởi năm nào cũng vậy, cứ đến độ tháng 3 hoa nở, tháng 5 kết quả cũng là lúc chúng tôi chuẩn bị kết thúc năm học.

Tôi nhớ nhất những ngày hè, khi tán gạo rợp bóng dù luôn được mẹ dặn không chơi quanh gốc cây gạo, vì có ma theo. Nhiều người vẫn truyền tai nhau câu “Phật cây đa, ma cây gạo” hay “Thần cây đa, ma cây gạo”. Nhưng, nào đâu chỉ đám trẻ nhỏ như chúng tôi, những người đi làm đồng về muốn dừng chân giữa trưa hè nắng gắt cũng ngồi dưới tán cây gạo. Tôi còn nghe kể lại, có người đang bụng mang dạ chửa đi ruộng về ngồi nghỉ ở đó, rồi chuyển dạ. Sau này, đứa bé sinh ra được gọi bằng cái tên gần gũi - Gạo, như để nhắc nhớ kỷ niệm khó quên.

Gốc cây gạo mòn vẹt trong ký ức bởi những trò quậy phá của đám trẻ chăn trâu như chúng tôi giờ không còn. Sau khi đốn cây đi, đường mở rộng hơn, chỗ ấy giờ là đường bê tông bằng phẳng. Mỗi lần về quê, tôi thường đứng ở đó lâu hơn một chút, nhắm mắt lại để cảm nhận như mình đang đứng dưới tán cây cổ thụ, giữa mùa hoa nở với những cánh hoa đỏ xoay tròn trước khi rụng xuống đất.

Tháng 3 này, tôi lại về để ôn lại hoài niệm xưa. Tôi sẽ cố giữ nó thật chặt, khắc ghi thật sâu vì tôi sợ, một mai biết đâu tôi chẳng thể còn hình dung về bóng cây gạo đầu làng mình.

Có thể bạn quan tâm