Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Có một phố núi trong tim

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tôi đã từng nghe, đại ý, du lịch là dịch chuyển từ nơi sống chán nản của mình đến nơi sống chán nản của người khác. Tôi cũng từng đọc: “Các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân một cách khôn ngoan rằng nên đổi gió và thay đổi khung cảnh sống” và “hành trình của chúng ta là những chuyến đi vòng quanh, các bác sĩ chỉ kê đơn cho những căn bệnh ngoài da” (“Walden-Một mình sống trong rừng” của Henry David Thoreau).

Và, tôi nhận ra một điều thú vị từ những nghịch lý hài hước trên, mượn câu thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên để tạm diễn đạt điều mình nghĩ: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.

Đến những vùng đất mới, con người mới, phong tục tập quán mới, ta thấy lạ, thấy thích thú, thấy thương mến, suy tư… Trong mênh mang những cảm xúc mới mẻ khi đặt chân lên xứ lạ, có ai chợt nhớ về nơi mình đang sống với nhịp chảy trôi bình lặng ngày ngày, có hình dung mảnh đất mình gắn bó đã và đang để thương để nhớ cho khách phương xa? Tôi đã nghĩ đến Phố núi thân yêu khi chạm vào những khoảnh khắc ấy.

Đường phố Pleiku rợp bóng cây xanh. Ảnh: Nguyễn Thị Diễm

Đường phố Pleiku rợp bóng cây xanh. Ảnh: Nguyễn Thị Diễm

Pleiku của tôi không phải quá sầm uất và nhộn nhịp như nhiều thành phố khác và có lẽ còn lâu mới vùn vụt thay da đổi thịt, sừng sững dọc ngang tòa đài, cao ốc mọc lên như phép màu. Bù lại, không thể phủ nhận, Pleiku là một thành phố bình yên, thoáng đãng như xưa nay vẫn thế. Hàng ngày, ta thường nhận lấy không khí trong lành và không gian khoáng đạt của phố mà quên mất rằng, mỗi ngày có bao nhiêu thành phố hiện đại ngột ngạt trong còi, khói, bụi và người. Ai đi xa về phố có lẽ cũng cảm thấy sảng khoái, nhẹ nhõm khi vừa đáp máy bay hay vừa đón cuốc xe ôm về nhà giữa tinh sương mát lành và êm đềm của thành phố còn ngái ngủ. Cảm giác quen thuộc đến mức, ta thường quên và chẳng bận lòng.

Ở đâu cũng vậy, sự phát triển của kinh tế chẳng đánh đổi bằng những mất mát âm thầm hay hiển lộ của thiên nhiên, môi trường. Nhưng lựa chọn phát triển bền vững về thành phố xanh-sạch-đẹp vẫn là lựa chọn sáng suốt cuối cùng. Ở đó, yếu tố tư duy văn hóa và thẩm mỹ, sự nhạy bén và khoa học là cốt lõi để tạo nên sự phát triển đột phá và bền vững.

Pleiku không phải quá sầm uất và nhộn nhịp như nhiều thành phố khác. Ảnh: Phương Vi

Pleiku không phải quá sầm uất và nhộn nhịp như nhiều thành phố khác. Ảnh: Phương Vi

Tôi thầm nghĩ, có phải những điều gây thương nhớ nhất, bất ngờ nhất lại là những điều hàng ngày cứ vô tình chảy trôi qua ta. Chỉ khi xa, cái lẽ thường hiện hữu ấy lại sống dậy thao thiết, khắc khoải, gọi thành tên, thành hình, thành hương, thành màu trong nỗi nhớ, tự nhiên mà sâu sắc. Ban mai xanh tươi, ban mai thơm nức hương cà phê, da diết xanh thẳm trời và mơn man gió biếc, rực rỡ nắng vàng và cả đắm đuối mưa dầm. Còn đây nữa những vạt hoa cà phê trắng trong, tinh khiết, lấp lóa những đồi cỏ hồng pha ráng chiều… Tất cả sẽ là ký ức lộng lẫy, độc quyền về một thành phố vốn không quá tấp nập và sầm uất như những thành phố lớn khác.

Có vô vàn những hạnh phúc giản dị ẩn sau những cái bình thường của cuộc sống nơi này: thong thả tản bộ qua Quảng trường Đại Đoàn Kết khi nắng chiều chưa tắt mà chim đã lích chích gọi bầy, nhấp một ngụm ngọt đắng tan mềm trong cuống họng mỗi sớm, chiêu một tách trà ấm nóng lúc ban mai ướm lạnh… Những niềm vui thật dung dị và lặng lẽ mà nếu không để tâm ta thấy nó sẽ trôi qua an nhiên như nhịp thời gian, ngày nối ngày. Hạnh phúc bền bỉ nhất có lẽ là hạnh phúc đang có, chẳng phải là cái gì cao xa đã mất hay chưa tới. Hiểu vậy để trân quý hơn những gì ta nhận được từ thành phố thân yêu và cuộc sống yên bình này.

Phố núi bé nhỏ, khiêm nhường, nhưng cũng vừa đủ để cho ta thấy sự cân bằng, thoải mái. Có hiện đại sẽ có truyền thống, có bản sắc sẽ có hòa nhập, có thủ phủ sẽ có vùng đệm, mỗi vùng với những cái có ấy sẽ nối dài và làm đầy sự phát triển không ngừng của đất nước. Chỉ có yêu thương gắn bó với Pleiku là duy nhất, nguyên vẹn. Đất banzan vẫn đỏ quạch, trời Tây Nguyên vẫn tươi xanh lồng lộng, nắng gió vẫn ngút ngàn, Biển Hồ vẫn ngọc ngà lấp lóa, thiên nhiên sống đời mình mãnh liệt và tận cùng, như tâm hồn con người Phố núi luôn phóng khoáng, dạt dào…

Dẫu biết “Ta không thể nuôi nhau bằng những ánh sao trời” và dẫu có băn khoăn “Ta sẽ bắt đầu điều gì khi bình minh thức dậy/Đi về phía biển khơi hay trở lại rừng?” (thơ Nguyễn Quang Thiều), bởi cuộc sống là chuỗi dài những bộn bề lo toan, những trăn trở và lựa chọn để đi đến những gì tốt đẹp và trọn vẹn. Nhưng bằng tình yêu và trách nhiệm, ta hoàn toàn có thể giữ một niềm tin đầy đủ và mãnh liệt về một thành phố đáng sống, giàu bản sắc và phát triển vững bền.

Có thể bạn quan tâm