Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Mùa hoài niệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Những ngày cuối năm thường đem đến cho tôi sự nôn nao khó tả. Một chút gì như tiếc nuối. Một chút gì như mong chờ. Nhìn ra cây mai vàng trước sân, lại thấy Tết đang đến thật gần rồi.

Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà hầu hết những ai đã đón nhiều cái Tết, đã chứng kiến nhiều cuộc chia ly của không ít người phải xa quê hương, ngày giáp Tết chắc hẳn sẽ nhớ về ngày tháng cũ cùng biết bao kỷ niệm, hoài mong. Vậy nên tôi thường gọi thời gian này là mùa hoài niệm.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Trong tâm thức mỗi chúng ta, ngày Tết có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Về quê sum họp cùng gia đình đón Tết vừa là nét đẹp truyền thống, vừa là sự thôi thúc tự nhiên trong trái tim mỗi người.

Vì vậy, mặc cho đường sá xa xôi, mặc giá tàu xe tăng cao, ai ai cũng muốn trở về quê hương bản quán. Người có cha mẹ, gia đình ở quê thì chắc chắn sẽ có những khoảng thời gian tuyệt vời khi được gặp lại cha mẹ, anh em, họ hàng, được ăn những bữa cơm đoàn tụ.

Với người đã lớn tuổi, nơi quê nhà chỉ còn mộ phần ông bà, cha mẹ, họ vẫn luôn mong muốn về quê để thắp cho ông bà, cha mẹ đã khuất nén hương, đi trên những con đường quen thuộc để được sống trong hoài niệm về Tết xưa để có thể nghe lòng mình lắng dịu, để thấy mình được quê hương ôm ấp vỗ về.

Nếu vì lý do nào đó không về được thì người dù ở xa nhưng tâm trí dường như đã hướng trọn về quê nhà, với biết bao nỗi nhớ niềm thương. Càng đi qua tháng năm, người ta càng thương nhớ những ngày bình yên xưa cũ.

Lòng tôi luôn nhớ về những mùa Tết đã qua trong ấm nồng tình yêu thương của gia đình. Nhớ những vườn rau trái, những con heo, con gà được mẹ chăm bẵm để chuẩn bị đón năm mới. Mùi bánh Tết, mùi nhang là những mùi vị thanh âm tôi không thể nào quên. Đó là mùi của no ấm, mùi của tình thân và sự đoàn tụ.

Làm sao quên được những lúc được cha mẹ dẫn đi viếng mộ ông bà, thăm họ hàng, những lần cùng bạn bè du xuân và tham gia vào những trò chơi truyền thống.

Rồi khi lớn lên, chị em tôi tựa như những cánh chim tung bay đi khắp nơi để xây dựng cuộc sống riêng. Mái nhà xưa vẫn luôn là tổ ấm để chúng tôi trở về quây quần sum họp trong dịp lễ, Tết, những dịp quan trọng hay đơn giản là về ăn một bữa cơm cùng cha mẹ. Ấy vậy mà thời gian đã đưa những non cao về miền sương khói, để những ngày Tết sắp đến lại là những thương nhớ khôn nguôi. Người đã đi xa không thể trở về, chỉ còn là những hoài niệm trong lòng cháu con.

Trưa nay, trong bữa ăn, ông xã tôi nhẹ giọng: “Sắp đến ngày giỗ mẹ, lại gần Tết rồi, nhà mình về quê nhé”.

Tôi biết là anh đang sống cùng hoài niệm. Cha mẹ đã đi xa, nhiều người bà con tôi từng chuyện trò, thăm nom mỗi lần về giờ cũng đã không còn. Nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ trở về, để cùng anh em, con cháu sống trong một miền ký ức yêu thương.

Có thể bạn quan tâm