Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Mùa vàng dưới thung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Cũng là một trong những vùng đất của Tây Nguyên nhưng khu vực dưới chân đèo Chư Sê (tỉnh Gia Lai) không gắn với những con đường đất đỏ, rừng cao su bạt ngàn hay bạt ngàn vườn cà phê trĩu quả mà nơi đây hưởng phù sa của dòng sông Ba bồi đắp ngàn đời thành vùng đồng bằng trù phú. Đất Phú Thiện, Ayun Pa là nơi lúa bén rễ, sinh sôi và thủy chung từ thuở nào.

Ngồi bên nếp nhà thơm mùi gió mới mà ngắm, lại thấy nắng như rót mật vào không gian, dịu êm và đọng lại dư vị ngọt ngào của mảnh đất trù phú này. Đứng trên đỉnh đèo phóng tầm mắt ra xa mới thấy cả vùng như một chiếc lòng chảo ngập đầy sắc vàng, sắc lúa.

Có anh thanh niên trên chiếc xe phân khối lớn từ xa “phượt” tới nơi đây, lòng thích thú khi chạy xe dọc theo quốc lộ mà ngỡ như mình được đi giữa biển vàng thoang thoảng hương đưa. Một khung cảnh mà nơi phố xá đông đúc khó mà có được. Muôn hạt lúa chắc mẩy, trĩu bông, cúi đầu như cái móc câu. Bông sát bông, hàng nối hàng, thửa liền thửa. Từ trên cao chỉ thấy một thảm óng vàng trong nắng. Mùa vàng, những nụ cười của người nông dân cũng giòn tan trong nắng.

Minh họa:Huyền Trang

Minh họa:Huyền Trang

Từ ngoài đồng, lúa về sân phơi. Sân không đủ chỗ, lúa tràn ra đường. Trong thoáng chốc, mọi lối đi về hóa thành đường vàng lộng lẫy dưới nắng. Người dân “trực chiến” cả ngày để trở cho lúa khô đều, dồn lại vào bao khi nắng tắt. Ngày nắng, bà con cùng ngồi dưới gốc cây uống nước, hàn huyên; đêm lại nằm tạm trên chiếc võng hay chiếc lều dựng tạm mà canh lúa. Nhưng nếu muốn mãn nhãn với cảnh phơi lúa thì phải ra phi trường cũ ở thị xã Ayun Pa. Một khoảng đất bằng phẳng mênh mông, khi xưa là sân bay quân sự Cheo Reo, từng là căn cứ không quân quan trọng của quân đội Mỹ ở Tây Nguyên. Một thời chỉ có máy bay, lính tráng, súng ống mà nay lúa vàng óng sân. Một thời chỉ có tiếng rít gầm chết chóc mà nay rộn rã tiếng cười được mùa. Tiếng cào đảo lúa, tiếng quét sàn sạt, tiếng giũ bao sột soạt, tiếng xe nhộn nhịp vào ra…

Nâng hạt lúa óng ả trên tay mà nghe lúa kể, người nông dân nơi đây nhiều ruộng và lắm lúa. Lúa không phải trồng chỉ để ăn mà còn để bán, thậm chí là bán rất nhiều. Vào mùa, sự nhộn nhịp không chỉ trên đồng hay trên sân phơi, mà suốt những cung đường cũng bạch bạch tiếng xe công nông suốt ngày đêm. Là xe chở lúa, từ ruộng về nhà hay từ sân phơi theo thương lái đi xa. Theo xe về trong các buôn làng, bà con nông dân hồ hởi cùng nhau khiêng lúa lên nhà sàn. Nghiêng nghiêng ghè rượu cần, nghiêng nghiêng điệu xoang, thần linh như cùng về hội tụ bên bếp lửa cùng người dân tay trong tay ăn mừng lúa mới. Tiếng cồng tiếng chiêng rộn rã khắp đại ngàn hòa cùng dòng sông Ba huyền thoại, mãi đến trăng tàn vẫn còn vọng vang.

Về dưới thung sâu mà nghe lúa thì thầm về những gian khó, đắng cay mà người nông dân phải âm thầm chịu đựng. Có nụ cười được mùa và cũng có những giọt mồ hôi vất vả, cả những giọt nước mắt xót xa. Ấy là những mùa lũ lụt nước trắng đồng. Ấy là mùa mưa bão, bông lúa đã cúi đầu mà vẫn đổ rạt lên nhau. Ấy là khi lúa đã về sân mà ông trời đỏng đảnh, thoắt nắng thoắt mưa, dù có ngồi canh nhưng có khi vẫn chạy không kịp cơn mưa bất chợt. Ánh mắt xót xa khi đứng nhìn lúa trôi theo dòng nước. Thật không dễ dàng gì!

Nhưng trên hết, dù mảnh đất dưới thung này được xem là chảo lửa khắc nghiệt thì lúa trên những cánh đồng vẫn hát vi vu. Bài hát tự hào về một quê hương được mệnh danh là vựa lúa Gia Lai. Hạt cơm trắng thơm trong bữa ăn của một gia đình hãnh diện khi nghe người trong nhà giới thiệu: gạo Phú Thiện, gạo Ayun Pa đấy...

Có thể bạn quan tâm