Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Miền thương nhớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phố núi Pleiku cho tôi nhiều bất ngờ hơn tôi tưởng. Khám phá Pleiku ở những miền suy tưởng khác nhau và tôi nhận được sự yêu thương lan tỏa từ vùng đất cao nguyên tràn nắng gió này.

Chỉ cần độ mươi mét rời bước khỏi những khu dân cư sầm uất, tôi đã có thể hòa mình vào sắc xanh bạt ngàn của những vườn cà phê. Từng vạt lá um tùm màu mỡ xòe ra ủ lấy những chùm trái đang độ xuân thì mỡ màng bên trong như còn e thẹn. Rồi đây khi đủ tháng đủ ngày, chúng sẽ phơi bộ da trần cháy bỏng mắt bởi sắc đỏ ra dưới cái nắng và cái gió cao nguyên màu bazan trù phú.

Dù trên sườn cao chênh vênh hay giữa thung sâu, muốn xuống lòng phố phải đi qua ngoằn ngoèo những con đường be bé láng mượt, tôi đều thấy hai bên mình, dù một khoảnh be bé đất, nơi ấy cũng có sự hiện diện của những bụi cà phê xanh mướt. Có thể nói đất bazan sinh ra dành cho cà phê hay nói đúng hơn cà phê xem bazan là đất mẹ đúng nghĩa.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Hoặc giả tôi lại được ngắm nhìn một phố núi đúng nghĩa khi ngược con dốc đường Thống Nhất bỗng phải dừng lại vì đèn đỏ. Đứng giữa lưng chừng con dốc chờ đèn đỏ, ngoái đầu về phía sau sẽ thâu trọn vào mắt một phố núi thật là huyễn dụ. Con đường nhựa nhỏ đổ xuôi giữa những tòa nhà san sát cao tầng nhưng không hẳn quá cao đủ để ta ngắm phố. Phóng tầm mắt xa hơn là trập trùng sắc màu của những khu làng ở thung xa. Phố mải miết chảy trong làng-là những ngôi làng đã gắn bó với phố từ khi Pleiku mới hình thành và phát triển như hôm nay.

Những ngày ở Pleiku, tôi còn thấy được một điều thú vị khác. Đó là chất rừng trong lòng phố thị. Bởi Pleiku không còn những cánh rừng với những tàng cổ thụ hàng trăm năm với dây rừng đan chéo chằng chịt. Phố vẫn mang khí chất của rừng bởi bảng lảng sương mai giăng kín lối, những u huyền của chiều buông se sắt lạnh. Những nếp nhà sàn đón khách vẫn bập bùng lửa, ghè rượu cần thơm nồng. Và đâu đó còn có cả những bức tượng gỗ với hàng trăm gương mặt ướt sũng màu thời gian mang nét u trầm huyền bí của rừng sâu.

Tôi mang theo điệu chiêng và tiếng hát của chàng trai Jrai về phía Biển Hồ. Hàng thông vẫn đứng đó, đinh ninh giữa đồi lộng gió. Với tôi, những cây thông bên Biển Hồ đã mang trong mình sứ mệnh của cây di sản. Lớp vỏ xù xì kia là gương mặt của Phố núi. Từng tàng lá xanh rì rào ngày qua ngày kể mãi chuyện trăm năm của đất và người Gia Lai. Bên hàng thông xanh là nông trường chè. Biển Hồ Chè ngút ngàn xanh. Trong tầm mắt tôi, màu xanh của đồi chè dường như đã quyện vào màu xanh của núi. Đưa tay ngắt một ngọn cho vào miệng nhấm nháp, vị chan chát, để rồi sau đó đọng lại chút ngọt thanh nơi đầu lưỡi, thật khó mà quên.

Tôi ngồi ở quán Plây Cồng Chiêng trong cơn mưa bất chợt. Trên chiếc chiếu giữa căn nhà sàn bé nhỏ, ấm cúng là những ống cơm lam còn nóng hổi, gà nướng chấm muối lá é, dĩa lá mì xào, vài xiên thịt nướng. Những anh chị, những người bạn Gia Lai đón tiếp chúng tôi bằng bữa cơm ấm áp nghĩa tình. Ca khúc “Đôi mắt Pleiku” chợt ngân lên trong mưa. Tự nhiên không uống rượu cần mà tôi vẫn thấy lòng mình say lạ. Và với tôi, Pleiku đã là miền thương nhớ thật rồi!

Có thể bạn quan tâm