Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Mưa về gợi nhớ nẻo đường Krong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nhắc đến Tây Nguyên, hình ảnh “những con đường đất đỏ, lượn vòng trên cao nguyên” trong ca khúc “Tình ca Tây Nguyên” của nhạc sĩ Hoàng Vân lại hiện về trong mỗi chúng ta. Với một người đi công tác nhiều như tôi thì mùa mưa và những con đường luôn ăm ắp trong miền nhớ.

Thập niên 90 của thế kỷ trước, sau khi hoàn thành hồ sơ di tích cấp quốc gia Làng kháng chiến Stơr, tôi nhận nhiệm vụ đi khảo sát để lập hồ sơ di tích cấp tỉnh Căn cứ địa cách mạng Krong. Nhưng khi đưa ra hội thảo, theo góp ý của đồng chí Lê Tam (lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy), di tích được đổi tên thành Căn cứ địa cách mạng Khu 10.

Hồi ấy, từ thị trấn Kbang vào Krong chỉ có 2 con đường đất. Một đường đi từ thị trấn men theo sông Ba và một đường từ hướng Sơn Lang qua dốc Đất Đỏ. Tuyến đường nào cũng là thử thách với người đi. Vì thế, nếu không có lý do bắt buộc phải đi sang các làng ở hướng Sơn Lang thì chúng tôi thường chọn con đường ngắn hơn. Đó là con đường men theo sông Ba, đi qua xã Lơ Ku để vào khu căn cứ.

Cán bộ, đảng viên, chiến sĩ từng gắn bó với Căn cứ địa cách mạng Khu 10 về thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: Minh Nguyễn

Cán bộ, đảng viên, chiến sĩ từng gắn bó với Căn cứ địa cách mạng Khu 10 về thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: Minh Nguyễn

Với tôi lúc đó, dù đã có thâm niên trên 10 năm công tác, không còn xa lạ với những chuyến xuống làng, đến vùng sâu, vùng xa… nhưng mùa mưa mà phải đi trên con đường đất sét pha cát hơn 30 km cũng là nỗi ám ảnh.

Trên chiếc Win 100, tôi và anh Trần Hữu Tài-Phóng viên ảnh kiêm lái xe của đơn vị phải vật lộn mất gần 4 giờ đồng hồ mới tới nơi. Con đường lúc ấy mới được san ủi, nó không chỉ lầy lội bình thường, mà còn chồng chéo dấu tích của các loại xe độ hằn sâu vào đất. Lòng đường như những giao thông hào dọc ngang, chứa đầy bùn đặc sánh, khó mà lường được độ nông sâu. Để tăng độ khó cho người đi, mặt đường thỉnh thoảng còn có những tảng đá chặn ngang, rễ cây bò ra chắn lối…

Ngồi phía sau, 1 tay tôi túm chặt áo anh Tài, 1 tay đưa ra phía sau ghì lấy khung sắt bảo vệ hộp đèn của xe, 2 chân ấn chặt vào cái gác chân. Vậy mà không ít lần, tôi bị nhấc bổng khỏi yên xe và không dưới chục lần phải nhảy xuống, khi bánh xe trượt khỏi vệt đường chỉ vừa gang tay, lại còn trơn bóng.

Gặp một chiếc xe chở nông sản từ Krong ra thị trấn bị lầy, tôi hỏi thăm thì được biết: Giá 1 chuyến xe chở hàng mùa khô chỉ 300 ngàn đồng, nhưng sang mùa mưa thì cái giá 1,8 triệu đồng cũng khó tìm được xe.

Đến xã rồi, việc đi lại giữa các làng cũng không dễ. Từ trung tâm xã vào làng Klư mất 2 giờ 30 phút. Từ làng Klư lên làng Pngăl thêm 2 tiếng đồng hồ nữa. Thế nên khi được hỏi: “1 năm mấy lần đến với Pngăl?”, nhiều cán bộ xã không ngần ngại khi nói: “Nhiều lắm cũng 2 lần thôi, không hơn được nữa đâu”.

Không biết được phát minh từ bao giờ và của ai, nhưng ở xã Đăk Rong (huyện Kbang), lần đầu tiên tôi thấy anh cán bộ văn hóa xã phải lấy dây xích quấn vào bánh xe máy khi chuẩn bị đưa tôi đến các làng. Hỏi vì sao phải làm thế này, anh giải thích là để bánh xe có thể bám dính vào mặt đường trơn, lầy, hạn chế bị trượt ngã.

Là người lập hồ sơ di tích, có một câu hỏi luôn đeo bám tâm trí khi tôi về với Krong: Liệu quần thể di tích giữa vùng núi non trùng điệp, suối thác đẹp như tiên cảnh, con người chân chất, hiền hòa… đầy sức hấp dẫn với tôi và những người đã từng “nếm mật nằm gai” thời chiến có đủ sức gọi thế hệ trẻ vượt con đường lầy lội để thăm chiến khu xưa?

Tôi có cảm giác rất lạ và luôn rưng rưng khi nghe bà con Bahnar ở các làng của Krong hào hứng nhắc về thị trấn Dân Chủ nhộn nhịp ngày nào; chuyện buồn dịp đánh chiêng trong đám tang bok Đẳng (Bí thư Tỉnh ủy); chuyện đi gùi hàng cho trạm Kắt, trạm Thuận (2 trạm giao bưu trên địa bàn xã) tuy mệt mà vui…

Và, việc chú Ngô Thành, anh Phạm Hồng Nam-những người sau giải phóng có chuyến trở lại thăm làng vẫn được nhiều người nhắc với cả niềm thương, nỗi nhớ.

“Tua” chậm mấy nẻo đường xưa cũng là một cách để bày tỏ niềm vui mừng trước những đổi thay trên vùng căn cứ cách mạng của tỉnh; để thấy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đã là máu thịt trong văn hóa của dân tộc. Điều này cũng được minh chứng bởi Krong nay luôn là “địa chỉ đỏ” mà thế hệ trẻ quan tâm, trân trọng.

Có thể bạn quan tâm