Khoảng 3 năm trở lại đây, giá thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy đường liên tục tăng cao giúp nông dân khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh có nguồn thu nhập ổn định. Bước vào vụ ép 2023-2024, giá mía nguyên liệu tại ruộng được Nhà máy Đường An Khê và Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai (AgriS Gia Lai) thu mua ở mức 1,1 triệu đồng/tấn mía 10 chữ đường, tăng 10-15% so với vụ trước. Càng phấn khởi hơn khi năng suất mía cũng tăng cao nhờ nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác, cộng với điều kiện khí hậu thuận lợi. Cụ thể, năng suất mía bình quân đạt 75-80 tấn/ha, cao hơn vụ trước khoảng 5-10 tấn/ha.
Gần 3 ha mía của ông Nguyễn Thanh Tuấn (thôn 1, thị trấn Đak Pơ) nằm ở chân ruộng cao nên được Nhà máy Đường An Khê ưu tiên thu hoạch sớm để tránh bị cháy cũng như đảm bảo chữ đường. Theo ông Tuấn, năm nay, mưa thuận gió hòa cùng với việc chăm sóc, bón phân phù hợp nên cây mía sinh trưởng, phát triển rất tốt. Đặc biệt, nhờ được nhà máy cung cấp giống mía chất lượng, kháng được nhiều sâu bệnh, nhất là bệnh trắng lá nên năng suất tăng cao hơn năm trước. “Với 3 ha mía, tôi dự ước thu được 210 tấn. Dù là mía tơ (thu năm đầu) nhưng năng suất cũng cao hơn năm trước khoảng 10 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi còn lợi nhuận hơn 120 triệu đồng”-ông Tuấn phấn khởi nói.
Khu vực Đông Nam tỉnh-vùng nguyên liệu của AgriS Gia Lai hiện có 14.000 ha mía. Bên cạnh ký hợp đồng đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ cơ giới hóa các khâu trồng, làm cỏ, bón phân, thu hoạch cũng như đưa giống kháng bệnh vào sản xuất nên năng suất mía bình quân ước đạt 80 tấn/ha, cá biệt có nơi đạt trên 100 tấn/ha.
Bà Trần Thị Lê (làng Ring, xã Hbông, huyện Chư Sê) cho biết: “Dù là mía tơ nhưng nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên năng suất đạt rất cao, bình quân 100 tấn/ha. Với 14 ha, dự kiến vụ này, tôi thu được khoảng 1.400 tấn mía. Giá mía thu mua tại ruộng của nhà máy năm nay là 1,1 triệu đồng/tấn mía 10 chữ đường, kết hợp với chính sách thu mua, vận chuyển thuận lợi nên sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi còn lợi nhuận gần 1 tỷ đồng”. Bà Lê cho biết thêm, những năm gần đây, Nhà máy có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư trồng, chăm sóc, thu hoạch… nhằm phát triển vùng nguyên liệu. Nhờ đó, đời sống người trồng mía ở xã Hbông ngày càng khấm khá.
Theo ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ: Mía là một trong những cây trồng chủ lực của huyện cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Đường An Khê. Toàn huyện hiện có trên 6.000 ha mía, tập trung chủ yếu tại các xã: Hà Tam, An Thành, Yang Bắc và thị trấn Đak Pơ.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện thì cho hay: Trên địa bàn huyện có hơn 3.000 ha mía. Thời tiết khu vực Đông Nam tỉnh năm nay cũng tương đối thuận lợi cho cây mía sinh trưởng, phát triển. Cùng với đó, huyện thường xuyên phối hợp với Nhà máy Đường An Khê tuyên truyền, vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới, giống mới vào sản xuất nên năng suất mía đạt bình quân 75 tấn/ha, cao hơn năm trước khoảng 5 tấn/ha. Việc AgriS Gia Lai thu mua với giá ổn định và cao hơn những năm trước đã đem lại thu nhập cao cho người trồng mía.
Theo thông tin từ AgriS Gia Lai, để đảm bảo vùng nguyên liệu phục vụ công suất ép của Nhà máy là 8.000 tấn mía nguyên liệu/ngày, Công ty đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ không hoàn lại cho người trồng mía như: cày ngầm, tưới tiết kiệm nước, cơ giới hóa…
Tương tự, Nhà máy Đường An Khê cũng đặc biệt chú trọng phát triển vùng nguyên liệu trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng mía. Ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy-cho biết: Đến nay, công suất của Nhà máy đạt 18.000 tấn mía nguyên liệu/ngày. Từ năm 2020 đến nay, Nhà máy đã phát triển vùng nguyên liệu mía từ 17.500 ha lên gần 30.000 ha trên địa bàn 4 huyện, thị xã phía Đông tỉnh với nhiều chính sách đầu tư cho người trồng. Ngoài ra, năm nay, Nhà máy cũng hỗ trợ đầu vụ 20 ngàn đồng/tấn mía thuần (mía chưa tính chữ đường). Giá cước vận chuyển bình quân 160 ngàn đồng/tấn về đến Nhà máy (tùy theo cự ly bến bãi xa, gần mà giá cước Nhà máy sẽ trả khác nhau) và ưu tiên thu mua mía trên địa bàn huyện Kông Chro, sau đó đến một số xã của huyện Đak Pơ, Kbang và thị xã An Khê. Niên vụ này, Nhà máy dự kiến ép hơn 2 triệu tấn mía. Nhà máy đưa ra giá thu mua 1,1 triệu đồng/tấn mía 10 chữ đường tại ruộng. Với năng suất mía và giá mía đầu vụ như hiện nay thì người trồng mía có lợi nhuận 40-60 triệu đồng/ha.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Tổng diện tích mía toàn tỉnh niên vụ này khoảng 37.000 ha, tăng khoảng 6.000 ha so với vụ trước. Những năm gần đây, tư duy sản xuất của người trồng mía cũng như doanh nghiệp trong việc phát triển vùng nguyên liệu đã chuyển biến rất tích cực, khắc phục được những hạn chế trước đây. Người trồng mía và doanh nghiệp xem vùng nguyên liệu là tài sản chung để cùng xây dựng và phát triển bền vững. Cụ thể, bên cạnh áp dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất, bón phân, thu hoạch, doanh nghiệp đã chú trọng hơn trong việc nghiên cứu, cung ứng các giống mía chất lượng, ít sâu bệnh, năng suất cao. Đồng thời, có chính sách đầu tư, thu mua phù hợp, thu hút được sự tham gia của người dân vào chuỗi liên kết. Còn người trồng mía thì đã thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh vườn cây, trách nhiệm hơn trong việc tham gia chuỗi liên kết (không còn tình trạng chạy theo giá để phá vỡ hợp đồng đã ký trước đó với doanh nghiệp). Chính vì sự cộng đồng trách nhiệm cao của các bên mà diện tích vùng nguyên liệu của các nhà máy tăng lên, giá cả, năng suất, hiệu quả kinh tế từ cây mía cũng tăng đáng kể.
“Đặc biệt, doanh nghiệp cần trách nhiệm hơn trong việc phát triển vùng nguyên liệu như: chú trọng trồng rừng, trồng cây che bóng, đầu tư hạ tầng cơ sở, dây chuyền sản xuất hiện đại… nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh theo định hướng của tỉnh. Từ đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ phát triển của Nhà nước cho mục tiêu tăng trưởng xanh, điển hình như tài chính xanh. Đồng thời, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để hình thành các hợp tác xã vệ tinh, thu hút người dân tham gia và hình thành các vùng sản xuất bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển của các nhà máy”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm.