Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Nâng cao đạo đức cách mạng là sức mạnh chống chủ nghĩa cá nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn có đạo đức cách mạng thì phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Đó là cuộc đấu tranh suốt đời, phải tự vượt lên những thiếu xót, yếu kém, tầm thường, xấu xa...

 Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)


Sáng 12/5, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh."

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và chỉ đạo Hội thảo.

Tại Hội thảo, các tham luận đã tập trung phân tích, tổng kết thực tiễn, làm rõ những vấn đề lý luận và bổ sung, phát triển tư tưởng, lý luận về xây dựng Đảng nói chung, xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng.

Trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị với Đảng góp phần nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân

Suốt đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến đạo đức cách mạng và tự mình nêu gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng. Trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, Người vẫn đau đáu việc Đảng, việc dân.

“Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là bài viết sau cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, đăng trên báo Nhân dân nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1969).

Những thông điệp Người nêu ra trong tác phẩm khẳng định vị trí, tầm quan trọng của đạo đức cách mạng, nhắc nhở, giáo dục cán bộ, đảng viên suốt đời rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, xứng đáng với niềm tin của nhân dân, giữ vững uy tín, thanh danh của Đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà nhân dân và dân tộc giao phó.

Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh suốt đời Hồ Chí Minh quan tâm đến đạo đức cách mạng và tự mình nêu gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng. Đó là điểm chói sáng trong tư tưởng và hành động của Người.

Nói tới cán bộ, đảng viên, bao giờ Người cũng nhấn mạnh đức là gốc. Đức và tài không tách rời nhau nhưng đức là gốc, phải có đủ 4 đức cần, kiệm, liêm, chính mới là người toàn vẹn. Thiếu một đức thì không thành người.

Muốn có đạo đức cách mạng thì phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Đó là cuộc đấu tranh suốt đời, phải tự vượt lên những thiếu xót, yếu kém, thậm chí những tầm thường, xấu xa, hư hỏng của chính mình, nó xa lạ với phẩm chất đạo đức cách mạng.

Đấu tranh từ bỏ chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh với chính mình, phải có dũng khí tự phê phán và sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng.

Nêu bật giá trị trường tồn, có ý nghĩa dẫn dắt của tư tưởng Hồ Chí Minh qua tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân,” Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo cho rằng đó là một tổng kết lớn về đạo đức cách mạng, từ lý luận đến thực tiễn, trình bày một hệ thống các vấn đề về xây dựng đạo đức cách mạng và kiên quyết đánh bại chủ nghĩa cá nhân.

Tác phẩm của Người đưa ra những chỉ dẫn sâu sắc rằng, nâng cao đạo đức cách mạng là sức mạnh chống chủ nghĩa cá nhân, là sự kết hợp giữa nhận thức với hành động, là sự phát triển mối quan hệ giữa đảng viên với tổ chức và lý luận, giữa Đảng với dân, giữa chính trị với khoa học, đạo đức và văn hóa.

Tác phẩm càng cho thấy mối quan tâm đặc biệt của Người với vũ khí phê bình và tự phê bình, giữa dân chủ và tập trung, giữa trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người đối với Đảng, với dân tộc, với nhân dân, giữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng với mục đích, mục tiêu của sự nghiệp cách mạng.

Nâng cao đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Khẳng định tư tưởng của Người là di sản vô cùng quý giá cho Đảng, Nhà nước, Nhân dân và các lực lượng vũ trang, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ, Đảng ủy Công an Trung ương luôn tăng cường giáo dục cán bộ, chiến sỹ rèn luyện theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, phát huy truyền thống “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ.”


 

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tham luận tại hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tham luận tại hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)


Việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị gắn với các nghị quyết, kết luận của Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng.

Nhân rộng hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ,” các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, chiến sỹ nhận thức sâu sắc về trách nhiệm xây dựng đội ngũ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn.

Từ thực tiễn kết quả phong trào thi đua, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân tận tụy, tận tâm, lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân.

Nhiều tấm gương dũng cảm hy sinh trong khi truy bắt tội phạm, đang làm nhiệm vụ tuần tra, phòng, chống dịch COVID-19; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ... thể hiện tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, xả thân vì nhân dân của người cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến nhanh chóng, khó dự báo, nhiều vấn đề mới, phức tạp, đặt ra yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ cho biết Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đặc biệt chú trọng công tác rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sỹ, cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; vững vàng trước sự tấn công của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, những cám dỗ tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường; thường xuyên bồi đắp ý chí khắc phục khó khăn, gian khổ, đề cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập nâng cao trình độ, năng động, sáng tạo trong công tác, mưu trí, kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ và quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin cậy giao cho.

Tự hào về truyền thống vẻ vang và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ,” Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ, thực tiễn gần 80 năm đồng hành với toàn dân tộc kinh qua các cuộc trường chinh kháng chiến, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn kiên cường, bất khuất vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Thực tiễn đã chứng minh, càng những lúc khó khăn, gian khổ, nguy nan, hình ảnh và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” càng tỏa sáng, càng được nhân dân tin tưởng, yêu thương.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.


 

Trung tướng Đỗ Quyết, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tham luận tại hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Trung tướng Đỗ Quyết, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tham luận tại hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)


Theo Trung tướng Trịnh Văn Quyết, phải lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, bảo đảm chắc chắn trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Trước hết, cần tăng cường công tác giáo dục bản chất truyền thống, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn quân, giữ vững bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang và phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, mẫu mực tiêu biểu, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có phẩm chất đạo đức trong sáng, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm; có kiến thức, năng lực toàn diện; thực sự mẫu mực; luôn đề cao trách nhiệm, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung…

Trách nhiệm của báo chí trong học tập và làm theo Bác

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cơ quan báo chí đã thể hiện “hai vai,” vừa là đối tượng học tập và làm theo, vừa là cơ quan tuyên truyền việc thực hiện.

Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các cơ quan báo chí, theo nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân, cần hiểu rõ hai vấn đề, đó là đạo đức Hồ Chí Minh đối với báo chí là gì; cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo làm được những gì để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đối với nội bộ và bản thân mình.

Với quan niệm báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng, Bác viết: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ.”

Tại Đại hội lần thứ 3 Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 8/9/1962), Bác chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng,” “để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí phải tu dưỡng đạo đức cách mạng.”

Hơn nửa thế kỷ qua, báo chí cách mạng nói chung và đội ngũ những người làm báo đã không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức báo chí,  phát huy được vị trí, vai trò và tác dụng của báo chí trong sự nghiệp chung.


 

Nhà báo Hà Đăng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân tham luận tại hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân tham luận tại hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)



Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng và thực hiện trong nội bộ Hội một bản “Quy ước về đạo đức báo chí Việt Nam,” sau đó sửa đổi thành “Quy định về đạo đức báo chí Việt Nam”.

Những nội dung chính được ghi trong quy định này là: Báo chí phải phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; người làm báo hành nghề trung thực khách quan, tôn trọng sự thật, tôn trọng quyền con người, bảo vệ bí mật quốc gia, thực hiện quyền tự do báo chí, tự do hành nghề trong khuôn khổ pháp luật; sống lành mạnh, giữ gìn phẩm chất trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, xúc phạm nhân phẩm và lợi ích của người khác; thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khiêm tốn, cầu tiến bộ, gắn bó với nhân dân, giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc, đồng thời tôn trọng các nền văn hóa khác và những giá trị tinh thần phổ biến của loài người.

Hoạt động thực tiễn trong nhiều thập kỷ qua đã giúp các cơ quan báo chí và giới báo chí nhận thức ngày càng rõ hơn, sâu sắc hơn về vai trò của báo chí trong tuyên truyền, giáo dục, vận động và thực hành phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,” trong đó “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là nội dung quan trọng hàng đầu.

Phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên

Chia sẻ kinh nghiệm của Tuyên Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đòng Nhân dân tỉnh Lê Thị Kim Dung cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cụ thể hóa việc phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên thông qua thực hiện giao việc đột phá, đổi mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Thực hiện “đặt hàng” công việc với các giám đốc sở, bí thư huyện ủy và chủ tịch UBND huyện, tập trung vào việc lớn, việc khó, những điểm nghẽn để bứt phá, phát triển, nhất là những bức xúc, vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư...

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục giao 244 việc đột phá, việc mới cho 76 đồng chí cán bộ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; giao 219 việc cho 65 đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý còn lại.

Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các đảng đoàn, ban cán sự đảng và thủ trưởng các cơ quan cấp tỉnh giao 731 việc đột phá, đổi mới cho 565 cán bộ theo thẩm quyền phân cấp quản lý cán bộ.

Việc “Đăng ký và giao việc đột phá, đổi mới cho cán bộ” đã tạo điều kiện thúc đẩy đội ngũ cán bộ khẳng định bản lĩnh, phát huy năng lực lãnh đạo, điều hành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị; đồng thời tạo môi trường và động lực để cán bộ chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bà Lê Thị Kim Dung đánh giá việc thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên là tiền đề quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đưa Tuyên Quang ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì từ 7-8%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm, GRDP khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ 4/11 tỉnh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Kinh tế lâm nghiệp phát triển nhanh và bền vững, tỷ lệ che phủ rừng trên 65% (đứng thứ 3 cả nước).

 

Theo Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm