(GLO)- Trong thực tiễn hoạt động cách mạng “vì nước, vì dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nêu một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng với điều nổi bật và dễ nhận thấy nhất là sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa giáo dục đạo đức và thực hành đạo đức cách mạng..
Bàn về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lưu ý rằng, nêu gương có tác dụng giáo dục quần chúng rất cao. Bởi lẽ, người nước ta cũng như các dân tộc phương Đông vốn rất giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Khi trở thành Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xác định hệ chuẩn cần đạt tới và cần nêu gương trong hoạt động chính trị, thực hành quyền lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong nhiều bài viết dành cho cán bộ, đảng viên của Đảng, Bác đã phân tích, lý giải khá tường tận nội hàm các tiêu chuẩn cốt yếuđđức, tài của người cán bộ. Không những vậy, Bác cũng từng căn dặn: Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Không chỉ là người xác định nội dung, cách thức nêu gương, trong thực tiễn hoạt động cách mạng “vì nước, vì dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nêu một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng với điều nổi bật và dễ nhận thấy nhất là sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa giáo dục đạo đức và thực hành đạo đức cách mạng.
Vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới, với vị thế của Đảng cầm quyền, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cùng với việc xác định trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng ta đã có nhiều quyết sách để từng bước xây dựng được một môi trường dân chủ, cởi mở; phát huy các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người trong bảo vệ nền độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, từ sau Đại hội XII, trên cơ sở thế và lực mới, Đảng ta đã tập trung giải quyết quyết liệt hơn 2 vấn đề có tính đột phá liên quan đến hoàn thiện thể chế và xây dựng con người-những yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả của cộng đồng, của hệ thống tổ chức xã hội. Và, nhờ chọn trúng, giải quyết tương đối thành công cả 2 vấn đề căn cốt trên mà bầu không khí phấn khởi, tin tưởng trong Đảng, trong xã hội ngày càng gia tăng, quan hệ giữa dân với Đảng càng thêm đồng thuận, môi trường cho sự phát triển ngày càng trong lành và bền vững hơn.
Tuy vậy, có thể nhận thấy, trước quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp xã hội, dường như đâu đó vẫn còn “bộ phận không nhỏ” đang “nằm im chờ thời”, “khéo giấu mình”, tìm cách luồn lách để khi có thời cơ “leo cao”, “chui sâu”-nhất là trong bối cảnh các cấp đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong tình hình đó, Đảng ta đã kịp thời ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Để hiện thực hóa Quy định của Đảng, trong thực tiễn, từ nhân tố lãnh đạo, quản lý đến người dân-công dân và các tổ chức đại diện có nhiều việc phải làm, trong đó phải chăng cần thống nhất nhận thức và rèn giũa các kỹ năng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, trên cơ sở Quy định chung đã được ban hành, mỗi thiết chế tổ chức cần kịp thời cụ thể hóa thành bộ tiêu chí phản ánh chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quyền lực nói chung; đức, tài, kỹ năng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là những người đứng đầu nói riêng theo hướng lượng hóa càng nhiều càng tốt. Bởi lẽ, chỉ thông qua thực chứng bằng các thông số cụ thể mới có thể khắc phục căn bệnh hình thức trong việc đánh giá con người, đánh giá cán bộ, đánh giá tổ chức đã tồn tại lâu nay. Tiếp theo là phổ biến, công khai bộ tiêu chí đó và có cách thức để mọi cấp độ chủ thể có trách nhiệm định kỳ tham gia đánh giá, thẩm định hoạt động của bộ máy và của từng cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn (thứ 2 từ trái sang) trao giải cho các tập thể tại lễ tổng kết cuộc thi “Tìm hiểu 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Ảnh internet |
Thứ hai, xây dựng những định chế, phản ánh mức độ “gần dân, trọng dân” của các cấp độ chủ thể lãnh đạo, quản lý. Nội dung các định chế này cần phản ánh tương đối toàn diện năng lực nắm bắt nhu cầu chính đáng của các tầng lớp nhân dân, bàn bạc dân chủ, kỹ lưỡng với dân trong quá trình xác lập những chủ trương và giải pháp triển khai thực hiện các chính sách phát triển đó. Tính đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả của các quyết sách liên quan đến quốc kế dân sinh là bộ tiêu chí không chỉ phản ánh năng lực hoạch định, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước của mọi cấp độ chủ thể có thẩm quyền mà còn phản ánh hàm lượng “gần dân, trọng dân” của đội ngũ cán bộ, phản ánh tài và đức của người có trọng trách, người đứng đầu.
Thứ ba, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng tầm “đạo đức, văn minh” của mỗi cán bộ, đảng viên và của từng tổ chức Đảng. Tự đổi mới, tự chỉnh đốn là yêu cầu của sự vận động nội tại của Đảng cầm quyền trong quá trình lãnh đạo cách mạng; là nhận diện đúng quy luật vận động, phát triển của Đảng, phải dự báo được những “kẻ thù” nội sinh và ngoại sinh trong sự vận động, phát triển. Nhờ thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, Đảng mới đủ khả năng vượt qua những thử thách mới, những “kẻ thù mới” như: “kiêu ngạo cộng sản”, “sự dốt nát”, “nạn hối lộ”. Chỉ có tự đổi mới, tự chỉnh đốn, mạnh dạn cải cách, Đảng mới chiến thắng được các loại “kẻ thù” ấy, mới giữ trọn được niềm tin tuyệt đối của nhân dân, mới loại bỏ được các nguy cơ hủy hoại sự nghiệp của Đảng. Những hiện tượng sa sút phẩm chất đạo đức, lối sống trong một số cán bộ, đảng viên và trong xã hội ta thời gian qua rõ ràng không thể tách khỏi việc xem xét và giải quyết cả từ phương diện thể chế lẫn từ phương diện đạo đức. Để ngăn ngừa suy thoái về đạo đức, lối sống, phải nghiêm khắc tự tu dưỡng, tự rèn luyện. Có hiểu thật sâu sắc về đạo làm người, hiểu đến mức hình thành cho được trong mình “một tòa án lương tâm” đủ sức tự giám sát được mình một cách thật nghiêm khắc và thường xuyên, thì mới giữ được trọn vẹn đạo làm người. Nhưng chỉ từng đó chưa đủ, quan trọng là phải thiết lập, hoàn thiện từng bước thể chế, cơ chế kiểm tra, kiểm soát quyền lực đủ sức ngăn ngừa sự lạm quyền, lộng quyền của cá nhân và tổ chức bộ máy có thẩm quyền quyết định trong nắm và phân bổ giá trị.
Đạt được những điều đó trong thực tế cũng có nghĩa là đã xây dựng Đảng ta trở thành môi trường của lòng khoan dung, của sự trong sạch, ngay thẳng. Đó là môi trường mà mỗi cán bộ, đảng viên đều biết qua đối thoại để cảm hóa, thuyết phục, đoàn kết trong Đảng và tạo lập sự đồng thuận xã hội-động lực lớn lao để hoàn thành ước vọng lớn lao mà trọn đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
PGS.TS HỒ TẤN SÁNG