Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

'Nếu tôi bỏ cuộc, con người bất hạnh kia mãi mãi nằm lại dưới hang sâu'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Là chiến sĩ cứu hộ ở TP.HCM, nhưng thiếu tá Nguyễn Chí Thành từng vào Nam ra Bắc với những chuyến công tác mà chỉ có anh mới dám đảm nhận và được cấp trên, đồng đội tín nhiệm, giao phó.

 

 Thiếu tá Nguyễn Chí Thành
Thiếu tá Nguyễn Chí Thành




Nguyễn Chí Thành - phó đội trưởng đội công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng cảnh sát PCCC Công an TP.HCM - sinh năm 1981, hơn 19 năm gắn bó với ngành, vừa được tuyên dương điển hình tiên tiến của ngành công an TP.HCM giai đoạn 2015-2020.

Những "ca khó"

Một ngày cuối tháng 2-2020, đang dạy con gái học bài thì thiếu tá Thành nhận lệnh đi công tác ở tận Hà Giang: đi chi viện cho lực lượng cứu hộ địa phương. Thấy chồng gấp rút lên đường, vợ anh hỏi "đi làm gì?", "Cũng chưa biết nữa, ra ngoài đó mới biết" - anh đáp, không quên nở nụ cười tếu táo thường ngày. Đó cũng là câu trả lời mà anh vẫn nói với vợ và hai con gái mỗi khi đi công tác.

Đến huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, vị trí cần tới là một hang đá sâu khoảng 280m, chưa từng có người đặt chân đến. Ngay cả người sành sỏi nhất ở địa phương cũng không biết chính xác hang sâu bao nhiêu, có dưỡng khí hay không. Nơi đó có một người bị nạn đã 10 ngày chưa ai đem thi thể lên được.

Nhưng cũng như bao lần đối mặt với nhiệm vụ khó, anh Thành là người xung phong xuống hang đầu tiên. Hang sâu, hẹp, tối, chỉ vừa đủ cho một người. Với những hang nguyên thủy, nguy cơ thiếu dưỡng khí hoặc gặp phải khí độc là rất cao. Xuống hay không xuống? Trong một giây, Thành quyết định xuống. Cuối cùng anh xuống tới đáy hang. Ở đó có một xác người đang trong giai đoạn phân hủy nặng nhất, bốc mùi kinh khủng do nạn nhân đã rơi xuống 10 ngày.

Quan sát thật kỹ tình hình, anh Thành trở lên miệng hang để xin ý kiến chỉ huy. Xuống hang đã khó, trở lên cũng không đơn giản vì lòng hang hẹp, lại có đá sắc nhọn. Rồi Thành lại xuống, mang theo rượu, cồn và dụng cụ để đưa thi thể lên. Đang dò dẫm xuống hang thì chợt nghe tiếng ầm ầm, ào ào rồi đất, đá từ miệng hang tuôn xuống xối xả.

Mưa bắt đầu trút xuống. Bộ đàm mang theo mất tín hiệu liên lạc. Thành quyết định leo trở lên chờ tạnh mưa. Nhưng lúc này thiết bị hỗ trợ chuyển động trục lại đột nhiên ngưng hoạt động. Tiến thoái lưỡng nan, Thành bị treo lơ lửng ở lưng chừng hang trong gần 1 giờ. "Lúc đó tôi nghĩ có lẽ mình nguy rồi. Dưỡng khí cạn dần, mùi tử khí gặp mưa xuống càng bốc lên nồng nặc" - Thành kể. May sao khi mưa ngớt hạt thì tín hiệu bộ đàm nối lại. Thành xuống được đến đáy hang. Lúc này anh mới kịp nhìn rõ người bị nạn. Tự tay Thành cho thi thể vào bao, cột dây chắc chắn để kéo lên.

Trước đó, vào cuối tháng 11-2019, Thành cũng tham gia chi viện cứu hộ người bị rơi xuống hang sâu ở Cao Bằng. Đó cũng là một "ca khó" bởi lực lượng cứu hộ địa phương không thể tiếp cận hiện trường, phải cầu viện. Lần đó Thành cũng xung phong xuống hang, tự tay dọn đá, nhặt từng mẩu xương, mẩu răng của hài cốt nạn nhân (do tai nạn xảy ra đã lâu mà không ai có thể xuống cứu) và đưa lên mặt đất.

 

Hiện trường vụ cứu hộ tại Hà Giang - Ảnh: VĂN HÀ
Hiện trường vụ cứu hộ tại Hà Giang - Ảnh: VĂN HÀ




"Dính" trọn đời

Thành kể ngày xưa khi hết nghĩa vụ quân sự 3 năm thì có ba sự lựa chọn: về cảnh sát cơ động, lực lượng bảo vệ hoặc PCCC, cuối cùng Thành chọn việc có vẻ phù hợp với tính cách mình nhất: tham gia lực lượng PCCC. Gia nhập cảnh sát PCCC được một thời gian, thấy có tiểu đội cấp cứu chuyên đi cứu nạn cứu hộ thế là Thành xung phong vào tiểu đội này và giấu gia đình do biết trước cha mẹ sẽ ngăn cản vì lo lắng.

Là dân Sài thành chính hiệu nhưng Thành lớn lên ở đất Củ Chi nên rành rẽ các môn bơi lội, leo trèo. Ngày còn nhỏ, Thành chứng kiến nhiều người bị chết đuối, trong đó có cả hai người anh họ. "Người chết đuối thường mấy ngày sau thi thể mới nổi lên. Lúc này thi thể đã trương phềnh biến dạng, bị tôm cá rút rỉa không còn nhận ra khiến người thân vô cùng đau khổ. Bởi vậy nghe có nghề cứu nạn, tôi muốn làm, đơn giản chỉ để cứu người hay ít ra cũng giúp người thân của họ bớt xót xa" - anh Thành tâm sự.



Công việc nguy hiểm này có những lúc phải đặt ra câu hỏi "Tiếp tục hay không tiếp tục? Ở lại hay quay về?" - tất cả phụ thuộc vào những gì mà những người "cô đơn" trong hành trình như Thành báo cáo với chỉ huy. Nhưng Thành tâm sự nếu anh bỏ cuộc, gần như chắc chắn con người bất hạnh kia sẽ mãi mãi nằm lại nơi hang sâu. Và nỗi đau sẽ còn mãi trong lòng người thân của họ.

Thành kể lần ở Cao Bằng, khi đưa được hài cốt người bị nạn lên, cả gia đình nạn nhân đã quỳ sụp xuống cảm ơn. "Chính màu cờ sắc áo công an TP.HCM, niềm tin, hi vọng của bà con đã tiếp cho tôi sức mạnh và cả sự liều lĩnh để hoàn thành nhiệm vụ" - anh Thành nói.


Làm lính cứu hộ không đơn giản. Hằng ngày phải tập thể lực như chạy bộ trên đường bằng, chạy cầu thang, hít xà, hít đất, leo thang dây mang khí tài, tập bơi cự ly dài, tập lặn… Lính mới vô nghề thì cho tiếp cận dần với nhiệm vụ như khiêng băng ca, sờ… xác người cho quen.

Đến khi luyện được kỹ năng cũng như tinh thần vững vàng mới cho đi cứu hộ. Trong nhiều tình huống sinh tử, người lính cứu hộ phải có tinh thần thép mới có thể bảo toàn tính mạng của mình và hoàn thành nhiệm vụ.

Gần 20 năm gắn bó với nghề, tham gia nhiều vụ cứu nạn cứu hộ lớn như vụ cháy tòa nhà ITC năm 2002, vụ chìm tàu Dìn Ký năm 2011…, thiếu tá Thành hiện còn tham gia công tác đào tạo lính mới. Trong những tiết dạy ấy, ít khi nghe anh nhắc đến những vất vả mà mình từng trải qua.

"Tôi tin là nếu có lòng nghĩa hiệp, khi đã "dính" nghiệp cứu hộ là dính trọn đời. Như tôi dù có vất vả nguy hiểm cỡ nào nhưng nếu phải chọn lại, tôi vẫn chọn con đường mình đã đi" - anh Thành nói và nở nụ cười hồn hậu, cũng là nụ cười mà đồng đội vẫn thường thấy mỗi khi anh vừa trở về từ miệng hang hay đáy sông.


 


Trung tá Dương Văn Thành - phó trưởng Phòng cảnh sát PCCC Công an TP.HCM, người có mặt ở miệng hang, chỉ huy trực tiếp đợt cứu hộ tại Hà Giang - nhớ lại: "Khi tín hiệu bộ đàm mất, chúng tôi rất lo lắng vì lúc ấy điều kiện thời tiết đang rất xấu, mưa đá kèm sạt lở đất. Anh em trên miệng hang chỉ có thể cố gắng huy động người để ngăn dòng, hạn chế đất đá bị cuốn xuống hang.

Đến khi Thành xuất hiện ở miệng hang đem theo bao thi thể, toàn đội vô cùng xúc động. Tôi còn nhớ lúc ấy cả đội ai cũng đeo khẩu trang, lại đứng giữa núi rừng bao la mà mùi tử khí vẫn nặng nề xộc đến thì chuyện Thành phải tác nghiệp một mình trong hang sâu, yếm khí là hết sức gian khổ".



Theo MAI HƯƠNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm