Những vụ đòi nợ kiểu “khủng bố” đang lộng hành góp phần làm dài thêm danh sách của những trò “khủng bố” mà người dân có thể phải đối mặt trên môi trường thông tin.
“Khủng bố chửi”, “khủng bố chuyện phòng the”, rồi “khủng bố đòi nợ” đến mức giáo viên phải bỏ nghề, bỏ trường để “giải thoát” cho đồng nghiệp và nhà trường.
Vấn đề là chúng ta có bao nhiêu “vũ khí” để chống trả thực tế tệ hại này? Chúng ta có lòng tin vào con người đủ để ở bên nhau trong những lúc như thế không? Để những kẻ bày trò khủng bố kiểu này không trở thành thế lực có sức mạnh chia rẽ con người. Chúng ta có đủ lòng trắc ẩn để cảm thông và chia sẻ với nạn nhân của những vụ khủng bố kiểu đó không? Để những kẻ nhẫn tâm hại đồng nghiệp, bạn bè mình sẽ không bao giờ có cơ hội đắc thắng vì đã gây được áp lực cộng đồng làm phá vỡ sự bình yên của đời người.
Và quan trọng nhất, chúng ta có đủ công cụ luật pháp để xử lý nghiêm khắc và ngăn chặn từ sớm những vụ “khủng bố” độc ác này không? Hay là luật pháp cứ mãi ở trong trạng thái rượt đuổi hụt hơi thực tế tồi tệ này mà chẳng thể vượt lên để “ra đòn” ngăn chặn. Vấn đề cũng đã được một vị tướng công an thừa nhận là không có đủ cơ sở pháp lý để xử lý hình sự những kiểu khủng bố này.
Thế nghĩa là kẻ “khủng bố đòi nợ” cứ thản nhiên “ra đòn” hãm hại nạn nhân trong cái khoảng trống của sự thiếu hụt các điều khoản pháp luật cần có để điều chỉnh hiệu quả thực tế này.
Phải có đại biểu nào đó ở Quốc hội đệ trình dự thảo luật hoặc bổ sung luật đủ khẩn trương để tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh chống lại vấn nạn “khủng bố chửi”, “khủng bố chuyện phòng the”, “khủng bố đòi nợ”... Cần bổ sung sớm những điều luật cho phép các cơ quan hành pháp được áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn cần thiết để phong tỏa một vụ việc trên môi trường thông tin có dấu hiệu rõ ràng của “khủng bố thông tin”, của hành vi vu khống hoặc thóa mạ. Những kẻ gây ra vụ việc phải được đưa ngay vào phạm vi ngăn chặn.
Luật không dễ để đi trước thực tiễn, nhưng một khi thực tiễn đã đầy rẫy những tình huống bất thường cần điều chỉnh mà luật pháp vẫn để những khoảng trống kéo dài như thế thì thật khó hiểu. Vụ việc làm tổn hại quyền lợi của người dân đến mức bỏ việc, bỏ nghề, khổ tâm khổ trí mà công an vẫn chỉ cứ kêu gọi khai báo rồi treo đó, chờ đến tận khi xảy ra hậu quả đau lòng mới thật sự vào cuộc. Chúng ta cần thúc đẩy nhanh việc điều chỉnh hoặc ban hành những khuôn khổ luật pháp cập nhật với thực tiễn để tăng cường sức mạnh và hiệu lực khắc chế vấn nạn khủng bố đòi nợ và những chuyện tương tự trong đời sống thông tin hiện đại.
Theo Huỳnh Văn Thông (TNO)