Thời sự - Bình luận

Ngân hàng hành động "khoan thư sức dân"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 23.10, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu thực hiện những chính sách về mặt tín dụng cho người dân vùng lũ. Theo đó, các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch khẩn trương chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Người dân miền Trung chịu thiệt hại nặng nề vì mưa lũ. Ảnh: LPL
Người dân miền Trung chịu thiệt hại nặng nề vì mưa lũ. Ảnh: LPL



Như vậy, bà con bị thiệt hại nặng nề vì thiên tai sẽ có cơ hội được miễn giảm lãi vay, được tiếp tục cho vay vốn mới để khôi phục sản xuất. Chính sách hỗ trợ đặc biệt này của Ngân hàng nhà nước rất kịp thời, hợp lòng dân bởi vì đúng là hành động “khoan thư sức dân”.

Sau hai đợt suy kiệt vì đại dịch COVID-19, nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhiều người mất việc làm. Các ngành kinh tế du lịch, dịch vụ gần như đóng băng, nên nông sản, thực phẩm cũng không bán được giá. Dân gồng mình qua được hai đợt dịch gần như đã kiệt sức.

Nhưng trời lại hành, một đòn bồi thiên tai ập đến. Giữa tháng 9.2020, các tỉnh miền Trung bị cơn bão số 5 vùi dập, hàng ngàn ngôi nhà tốc mái, người dân từ Hà Tĩnh vào đến Quảng Nam chịu thiệt hại, mùa màng hoa trái, đầm tôm đìa cá tang hoang.

Sau cơn bão số 5 là đợt lũ lụt kéo dài suốt hai tuần qua. Đúng là bão chồng bão, lũ chồng lũ, nhiều gia đình mất mát chồng mất mát, có nhà tang chồng tang. Đợt này thiệt hại về người và của quá nặng nề, người dân, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ để gượng dậy, phục hồi sản xuất.

Hiện nay, nhiều đoàn cứu trợ từ xã hội, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, cho nên người dân các địa phương bị thiên tai không lo thiếu đói. Tuy nhiên, sau đợt cứu trợ này, người dân quay về đời sống hậu lũ lụt, phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sinh hoạt, đặc biệt là phải tăng gia sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các tỉnh miền Trung cũng bị thiệt hại ghê gớm, sản xuất đình trệ, công nhân nghỉ việc, hàng hóa không cung ứng kịp theo hợp đồng. Sau lũ lụt còn phải dọn dẹp, chờ khắc phục đường điện, sửa chữa máy móc nhà xưởng, trăm mối lo toan và nhiều khoản chi phí tốn kém.

Nếu người dân được miễn giảm khoản vay cũ và vay được nguồn vốn mới, chắc chắn sẽ nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất.

Nhưng còn doanh nghiệp, đợt thiên tai này vét sạch nguồn sức lực cuối cùng của họ. Hãy hỗ trợ kịp thời để cấp cứu, đừng để doanh nghiệp nào phải đóng cửa.

Trước hết, hãy ưu tiên cho doanh nghiệp các tỉnh bị thiên tai nhận khoản hỗ trợ lần hai của Chính phủ, đừng chậm chạp như lần một nữa.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ngan-hang-hanh-dong-khoan-thu-suc-dan-848053.ldo

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm