Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Nghĩa đồng bào

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi không rõ từ “đồng bào” xuất hiện trong tiếng Việt tự khi nào, cũng không biết ai là người Việt Nam đầu tiên sử dụng từ này. Nhưng với người Việt Nam ta, có lẽ không từ nào đúng hơn, ý nghĩa hơn, thiêng liêng hơn để gọi nhau như hai tiếng “đồng bào”. Bởi lẽ, nó gắn liền với truyền thuyết một bọc trăm trứng, với nguồn gốc con Rồng cháu Tiên mà người Việt Nam nào cũng cảm thấy vô cùng tự hào.
Hai tiếng đồng bào vốn đã ý nghĩa, thiêng liêng càng trở nên ý nghĩa, thiêng liêng hơn trong những thời khắc trọng đại của lịch sử dân tộc, gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người mở đầu bản tuyên ngôn này bằng câu: “Hỡi đồng bào cả nước”. Đến đêm 19-12-1946, trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Người cũng mở đầu bằng câu: “Hỡi đồng bào toàn quốc!”. Và trước đó, trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku ngày 19-4-1946, hai tiếng đồng bào thiêng liêng một lần nữa được Bác sử dụng: “…Hôm nay đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ. Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự hội được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào. Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”… 
Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku cũng là đạo lý ngàn đời của dân tộc ta. Trải qua biết bao thiên tai, địch họa, sở dĩ nước ta còn giữ được độc lập, dân ta còn được tự do, hạnh phúc là bởi lớp lớp các thế hệ cha ông đã luôn “sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Bài học sâu sắc, thấm thía ấy đã được ông cha ta đúc kết, nhắn nhủ đến con cháu qua những câu ca dao mộc mạc, giản dị như: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng” hay “Anh em như thể chân tay/Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”.
Nhìn ra cuộc sống hôm nay, không khó để mỗi chúng ta nhận ra những câu chuyện, hành động đẹp xuất phát từ cái nghĩa đồng bào thiêng liêng ấy. Đó là những chuyến xe chở đầy lương thực, thuốc men, quần áo của bao tấm lòng trên khắp cả nước gửi về người dân vùng thiên tai bão lũ hàng năm, gửi đến đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; là những khoản tiền ăm ắp nghĩa tình sẻ chia để những bệnh nhân nghèo, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, nạn nhân chất độc da cam không cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi, giúp họ vững tin trong cuộc sống; là những giọt máu đào không kể đêm hôm, mưa gió của bao người tình nguyện nhằm giúp những bệnh nhân cấp cứu giành lại sự sống; là những người lính Biên phòng sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho đồng bào nơi biên giới… 
Dĩ nhiên, cuộc sống không chỉ toàn là điều tốt đẹp và không phải ai cũng sống trọn cái nghĩa đồng bào với những người xung quanh. Vậy nên mới có chuyện trộm cướp, giành giật, cãi vã, đánh đập, đâm chém nhau; mới có chuyện bán rau phun thuốc sâu, hoa quả, cá thịt tẩm hóa chất cho nhau; mới có chuyện khoanh tay đứng nhìn hay ngoảnh mặt quay đi khi thấy người khác gặp khó khăn, hoạn nạn… So với những điều tốt đẹp, chuyện xấu xa chỉ là phần nhỏ nhưng nó cũng khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến hai tiếng đồng bào.
Chỉ còn 2 ngày nữa là đến Giỗ Tổ Hùng Vương. Nhân dân cả nước và kiều bào xa Tổ quốc đều đang thành kính hướng về mảnh đất Phú Thọ để tưởng nhớ công đức tổ tiên. Và không chỉ tưởng nhớ, đây còn là dịp để mỗi người con nước Việt hiểu hơn, trân trọng hơn cái nghĩa đồng bào ruột thịt, từ đó biết yêu thương nhau hơn, biết “sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau” như Bác Hồ từng mong muốn.
 VĨNH PHÚC

Có thể bạn quan tâm