Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Người chiến sĩ tự vệ mật kiên trung

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, ông Đinh Hiot (83 tuổi, làng Hưng Dơng, xã Kông Yang, huyện Kông Chro) từng được nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Hồng tín nhiệm đưa vào lực lượng tự vệ mật tại cơ sở. Mưu trí hoạt động trong lòng địch, ông Hiot đã góp phần tạo nên khí thế đấu tranh sôi nổi trong quân và dân địa phương lúc bấy giờ.



Chúng tôi theo chân Chủ tịch UBND xã Kông Yang Đinh Joang đến làng Hưng Dơng tìm gặp ông Đinh Hiot vào một trưa hè gay gắt nắng. Trên chiếc võng cột nối giữa 2 gốc xoài cạnh nhà rông, ông Hiot đang tranh thủ chợp mắt, nhưng sau đó ngồi dậy rất nhanh khi nghe tiếng xe lạ vào làng. Thấy chúng tôi, ông cười hiền: “Nhà báo xuống tới rồi đó hả, hôm qua nghe đồng chí Joang hẹn gặp, sáng giờ tôi cứ vào ra trông mãi”.

Một lòng theo cách mạng

Dưới tán xoài rợp bóng, ông Hiot kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian tham gia cách mạng của mình. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại làng Hưng Đak, xã Yang Bắc (nay là xã Kông Yang, huyện Kông Chro), từ nhỏ, ông đã nung nấu ý chí đánh giặc, bảo vệ buôn làng. Cha ông lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND xã Yang Bắc, người anh trai duy nhất của ông cũng tham gia lực lượng du kích tại địa phương. Mới 15 tuổi, ông Hiot đã thuần thục công tác giao liên cho cán bộ cách mạng huyện Đak Bớt. Không chỉ chuyển-nhận thư, giấy tờ, công văn..., ông còn dẫn đường, đưa đón cán bộ hoạt động bí mật ra vào căn cứ. Điều đáng nói là giai đoạn này ông đang bị bắt làm lính dân vệ cho Pháp, khoác trên người bộ quân phục của địch. “Nhiều người không biết, tưởng tôi làm tay sai cho Pháp nhưng cốt là tôi muốn che mắt quân địch. Ở với chúng, tôi sẽ hiểu rõ nội tình hơn, dễ dàng nắm bắt động thái bất thường của chúng. Trong một lần ghé nhà bàn công việc với cha tôi, bá Kroong (mật danh của ông Phạm Hồng-P.V) đã gặp riêng tôi bảo rằng, tôi phải theo anh ấy giúp cách mạng, đừng làm lính Pháp quá lâu mà lại gây tội ác với đồng bào. Tôi đã bảo với anh ấy rằng cứ yên tâm, bởi lúc nào trong lòng tôi cũng chỉ nguyện một lòng theo Đảng và Bác Hồ. Tôi sẽ âm thầm hoạt động cách mạng khi có thời cơ”-ông Hiot khẳng khái nói.

 Ông Đinh Hiot (bìa phải) kể lại quãng thời gian tham gia lực lượng tự vệ mật. Ảnh: H.T
Ông Đinh Hiot (bìa phải) kể lại quãng thời gian tham gia lực lượng tự vệ mật. Ảnh: H.T



Năm 1958, huyện 7 (địa bàn phía Đông huyện Đak Bớt trước đây, huyện Kông Chro ngày nay) triển khai chủ trương thành lập các đội thanh niên tự vệ mật ở các làng, đẩy mạnh hoạt động bảo vệ cán bộ, cơ sở, hành lang, cơ quan. Tại làng Hưng Đak, ông Hiot được ông Phạm Hồng (khi ấy là Bí thư Đảng bộ huyện 7) tin tưởng cho gia nhập vào lực lượng tự vệ mật tại cơ sở, có nhiệm vụ theo dõi tình hình địch và nắm bắt danh sách những kẻ ác ôn; đồng thời vận động, tuyên truyền để bà con dân làng tin tưởng vào Đảng và Bác Hồ. “Chúng tôi phải thực hiện nghiêm kỷ luật bảo mật, tuyệt đối không để ai biết mình làm tự vệ, ngay cả người thân trong gia đình. Tôi và anh họ Đinh HNhớp đều tham gia đội tự vệ mật nhưng cũng chẳng ai biết người kia đang đảm nhận vai trò giống mình”-ông Hiot chia sẻ.

Quá trình hoạt động bí mật, có một sự việc khiến ông Hiot không thể nào quên khi phải chính tay tiêu diệt người chú ruột của mình là Đinh Kei vì đã phản bội cách mạng. Đinh Kei nguyên là Ủy viên Ban cán sự huyện 7 nhưng sau khi bị bắt đã đầu hàng địch, liên tiếp chỉ điểm những cán bộ cách mạng chủ chốt (trong đó có cha ông Hiot), khiến ta phải gánh chịu nhiều tổn thất. Ông Hiot nhớ lại: “Cha tôi bị Kei chỉ điểm, địch liền bắt ông đưa lên giam ở Nhà lao Pleiku rồi đẩy xuống Nhà lao Quy Nhơn xử tử, đến giờ vẫn chưa tìm ra hài cốt. Trong lòng căm hận lắm nhưng bên ngoài tôi vẫn tỏ ra bình thường. Hắn gặp tôi hỏi tung tích bá Kroong, tôi liền bảo anh ấy về Bắc rồi, không dám vô đây nữa đâu, thế mà hắn tin. Sau đó, bá Kroong bàn với tôi và một số anh em khác về kế hoạch tiêu diệt kẻ gây ra nhiều nợ máu này. Tôi đã lừa Kei về dự lễ khóc ma cha tôi, qua đó nắm tình hình, dự đoán thời điểm, đường đi của hắn và tốp lính. Ngày 24-10-1958, bá Kroong trực tiếp chỉ huy 2 cán bộ khác và 14 tự vệ mật của các làng mai phục tại một địa điểm trên đường số 7B (gần suối Hnok thuộc làng Hưng Đak). Chờ chúng lọt vào ổ phục kích, bá Kroong bắn phát súng lệnh, chúng tôi xông ra đường chém bọn địch. Bị tấn công bất ngờ nên chúng không kịp bắn trả, vội vàng tháo chạy. Kei bị tôi giết chết tại chỗ. Sáng hôm sau, tôi trở về làng thì đã thấy địch kéo đến chờ sẵn. Một tên trong số chúng nói tôi là người giết Kei nhưng tôi nhanh chóng đưa ra bằng chứng ngoại phạm. Người thân và dân làng tuy không biết ai đã tiêu diệt tên Kei nhưng rất phấn khởi, phong trào diệt ác ôn từ đó không ngừng phát triển ở khắp các làng, góp phần bảo vệ thành công cán bộ và cơ sở cách mạng”.

Một năm sau đó, ông Hiot xung phong nhập ngũ, gia nhập lực lượng bộ đội địa phương. Tháng 2-1962, ông được kết nạp vào Đảng tại đơn vị và tiếp tục chiến đấu gìn giữ từng tấc đất quê nhà cho đến ngày giải phóng.

“Điểm tựa” của dân làng

Qua cuộc trò chuyện với ông Đinh Joang-Chủ tịch UBND xã Kông Yang, chúng tôi biết thêm nhiều điều đáng trân quý ở người tự vệ mật này. Trở về từ cuộc chiến, ông Hiot được giao đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng tại địa phương. Năm 1999, ông về hưu, tiếp tục làm Bí thư chi bộ làng Hưng Dơng (quê vợ). Ông vận động mọi người chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để chung tay xây dựng nông thôn mới, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Ông Đinh Hiot thường xuyên đến thắp hương tưởng nhớ ông Phạm Hồng tại tấm bia ghi dấu sự kiện- Ảnh Hồng Thi
Ông Đinh Hiot thường xuyên đến thắp hương tưởng nhớ ông Phạm Hồng tại tấm bia ghi dấu sự kiện. Ảnh Hồng Thi



Dù tuổi đã cao song ông vẫn tích cực tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn để vun đắp tình làng nghĩa xóm, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Không chỉ trong nội bộ làng, ông Hiot còn được người dân ở các làng lân cận mời đến hòa giải. Các vụ việc chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai, xích mích gia đình, mâu thuẫn giữa thanh niên làng này với làng khác... Đơn giản có, phức tạp có, nhưng gần như đều được ông giải quyết êm đẹp chỉ trong vòng 1 ngày, đôi bên đều cảm thấy thỏa đáng, vui vẻ. Bằng lý lẽ và sự khéo léo của mình, ông phân tích cái được, cái mất để người trong cuộc hiểu và đưa ra quyết định hợp lý. “Mâu thuẫn xảy ra trong làng không chỉ xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật mà còn do tập quán lạc hậu. Vì thế, có nhiều sự việc mình không thể giải quyết cứng nhắc mà phải dựa vào tình cảm để phân tích, lý giải sao cho thấu tình đạt lý thì họ mới nghe theo”-ông Hiot chia sẻ.

Khi chúng tôi hỏi về người hàng xóm Hiot, ông Đinh Sar (làng Hưng Dơng) nhận xét: “Tuy không phải người sinh ra ở làng này nhưng từ ngày lấy vợ về đây, ông Hiot rất có tiếng nói ở trong làng và được bà con tôn trọng. Gia đình tôi có vấn đề gì không thuận đều mời ông ấy đến hòa giải”.

Mặt trời đã đứng bóng nhưng ông Hiot vẫn nằng nặc đưa chúng tôi đến vị trí mình từng phục kích tiêu diệt tên Kei. Nơi đây vừa được chính quyền địa phương dựng lên một tấm bia ghi dấu sự kiện lịch sử ấy, đồng thời cũng là địa điểm để dân làng đến dâng hương tưởng nhớ đến nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Hồng-người dành cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất và con người Kông Chro. “Tôi may mắn vì luôn được bá Kroong động viên, dõi theo từ khi còn là du kích mật đến lúc đi bộ đội và cả những năm tháng hòa bình sau này. Chúng tôi gắn bó, thân thiết với nhau như anh em ruột thịt. Ngày bá Kroong mất, tôi buồn lắm nhưng không thể vào TP. Hồ Chí Minh viếng, chỉ tham gia được lúc đưa tro cốt anh về đây rải thôi. Cứ mỗi khi nhớ, tôi lại ra chỗ này thắp hương và ngồi tâm sự chuyện xưa giống như lúc bá Kroong còn sống vậy”. Nói đoạn, ông Hiot ngồi xuống cạnh tấm bia, đưa ánh nhìn xa xăm về dòng sông phía trước mặt...

 HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm