Thời sự - Bình luận

Những đáp án cho tương lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong tháng cuối năm 2024, một số sự kiện công nghệ đã gây nhiều chú ý.

Tập đoàn công nghệ và bán dẫn NVIDIA (Mỹ) đã ký kết với cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam (VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI nhằm thúc đẩy ứng dụng AI, mở rộng việc làm cho nhân lực trong nước. Cũng trong dịp này, ông Jensen Huang, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành NVIDIA, đã công bố thương vụ NVIDIA mua lại VinBrain - công ty khởi nghiệp về AI của Vingroup - để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn ở Việt Nam.

Tập đoàn công nghệ Google cũng thông báo Công ty TNHH Google Việt Nam (đăng ký thành lập vào tháng 3-2023) sẽ chính thức hoạt động từ năm 2025, đảm trách các phần việc mà trước nay do Google Asia Pacific có trụ sở tại Singapore quản lý.

Đó là những nét chấm phá mới trên bức tranh toàn cảnh tương lai số của Việt Nam, khi nước ta đang tăng tốc phát triển thành một cứ điểm công nghệ, một trung tâm công nghệ số ở khu vực và trên tầm thế giới.

Sự kiện bên trên của Google và các công ty dịch vụ xuyên biên giới có pháp nhân chính thức tại Việt Nam không chỉ tuân thủ luật pháp nước sở tại mà còn bảo đảm cho việc thực thi internet có chủ quyền của Việt Nam. Câu chuyện với NVIDIA thì ở tầm vóc và lĩnh vực khác. Nó bao gồm cả 2 xu hướng công nghệ thời thượng là AI và bán dẫn.

Điều mà Việt Nam cần mang tính bền vững là làm chủ được công nghệ AI, đóng góp chất xám Việt trong việc phát triển các mô hình AI mà toàn cầu có thể sử dụng. Việc kết hợp giữa công nghệ, kinh nghiệm và thiết bị cùng những nguồn lực khác của NVIDIA với nguồn lực nhân sự và cơ sở hạ tầng của Việt Nam - tất nhiên có cả yếu tố chính sách phù hợp và thu hút - chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các bên. Đó cũng sẽ là mô hình cho việc hợp tác cùng với những "ông lớn công nghệ" khác.

Ngay cả trong lĩnh vực bán dẫn cũng vậy. Nếu không sáng suốt và nhìn xa trông rộng, những nước như Việt Nam dễ bị choáng ngợp và có thể rơi vào "bẫy bán dẫn"; sa vào ảo tưởng là làm bán dẫn thì phải có nhà máy sản xuất chip và làm ra mọi loại chip cho thế giới.

Theo các nhà chuyên môn, những nước có xuất phát điểm như Việt Nam cần nhận ra những thế mạnh của mình trong công nghiệp bán dẫn để phát huy tối đa. Chẳng hạn khâu thiết kế chip, nhiều năm nay vốn là một thế mạnh của chất xám Việt Nam, đã được các "ông lớn bán dẫn" công nhận. Chúng ta có thể đi từ việc tham gia thiết kế những thành phần trong một con chip chứ đừng ảo tưởng tự mình phát triển cả một con chip lớn, dạng SoC - hệ thống trên chip. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu về bán dẫn, làm tốt khâu gia công, lắp ráp chip đã là thành công. Nhà máy Intel ở Việt Nam chắc chắn mang lại nhiều kinh nghiệm cho Việt Nam.

Một số công ty của Việt Nam đã chọn cách làm đúng đắn khi khởi sự hành trình bán dẫn bằng cách tham gia sản xuất chip đơn giản. Đây có thể là những loại chip mà các hãng lớn không làm nhưng thật sự thị trường có nhu cầu.

Thông qua những con chip nhỏ, đơn giản này, chúng ta làm quen, đào tạo lực lượng, xây dựng uy tín thương hiệu và cũng là cách "lấy ngắn nuôi dài".

Theo Phạm Hồng Phước (NLĐO)

nld.com.vn Xem link nguồn

Có thể bạn quan tâm