(GLO)- Nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ nông dân ở thôn Plei Toan (xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa, Gia Lai) đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Gia đình ông Ksor Mep là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi không chỉ ở thôn Plei Toan mà của cả xã Ia Kdăm. Ông Mep chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện khó khăn của xã. Nhờ được Hội Nông dân xã hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư phát triển sản xuất và được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật nên gia đình dần vươn lên thoát nghèo. Đến nay, gia đình có của ăn, của để”. Hiện gia đình ông Mep có 18 con bò sinh sản, 10 con dê, 6 ha mì, 4 ha mía và 1 ha lúa. Kinh tế khá giả, năm 2015, ông bỏ ra 400 triệu đồng mua 1 máy gặt đập liên hợp để làm dịch vụ. Đến 2019, ông mua thêm 1 chiếc nữa để đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn. “Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu 70-100 triệu đồng từ 2 máy gặt đập liên hợp. Còn tính cả số tiền thu từ trồng trọt, chăn nuôi thì mỗi năm gia đình bỏ túi trên 400 triệu đồng”-ông Mep chia sẻ.
Ông Siu Blunh là điển hình làm kinh tế giỏi của xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa. Ảnh: R.H |
Tương tự, gia đình ông R'Ô Brơnh cũng đã thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá giả. Ngày trước, gia đình ông chỉ có vài sào ruộng với 1 ha mì, mía nên cuộc sống rất khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, ông nỗ lực học hỏi kinh nghiệm làm ăn, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông dành số tiền tích lũy để đầu tư mua thêm đất sản xuất, mua dê, bò về nuôi. Đến nay, gia đình ông đã có 7 con bò lai, 3,5 ha mì, 2 ha trồng lúa 2 vụ, 1 ha mía. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu về gần 200 triệu đồng. Năm 2015, gia đình ông đã làm được nhà sàn khang trang trị giá 400 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn mua sắm các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, năm 2018, ông đã hiến 500 m2 đất ở và 10 triệu đồng để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn. Chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, ông Brơnh cho biết: “Tôi luôn tận dụng tối đa đất đai có sẵn để trồng trọt. Đồng thời, tôi thường xuyên học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ người khác. Hàng năm, khi Hội Nông dân xã và Nhà máy Đường Ayun Pa tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật sản xuất, tôi đều tham gia để học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm”.
Cũng là hộ làm kinh tế giỏi ở Plei Toan, năm 2019, sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông Siu Blunh thu gần 200 triệu. Ông Blunh chia sẻ: “Trồng mía được Nhà máy Đường Ayun Pa hỗ trợ kỹ thuật nên mình rất yên tâm. Sắp tới, nhà mình sẽ mở rộng thêm diện tích mía để tăng nguồn thu”. Là Phó Chủ nhiệm Nông hội xã Ia Kdăm nên ông Blunh thường chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với bà con. “Để thoát nghèo, tăng thu nhập thì phải biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kết hợp trồng trọt và chăn nuôi”-ông Blunh nói.
Trao đổi với P.V, ông Ksor Phiơn-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Kdăm-cho biết: “Mấy năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm đáng kể, một phần do người dân được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi như hộ ông Rmah Mep, RÔ Brơnh, Siu Blunh. 3 hộ này hàng năm luôn đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi của xã và thường xuyên dự hội nghị nông dân sản xuất giỏi cấp huyện”.
R'Ô HOK