Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Những người tiên phong ở An Trung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đội ngũ người uy tín ở xã An Trung (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế để cộng đồng noi theo mà còn tham gia xóa bỏ tập tục lạc hậu, giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, góp phần xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp.

Anh Đinh Kót (bìa phải; làng Ó) vận động người dân xây dựng nếp sống mới. Ảnh: R'Ô HOK
Anh Đinh Kót (bìa phải; làng Ó) vận động người dân xây dựng nếp sống mới. Ảnh: R'Ô HOK

Anh Đinh Kót (làng Ó) cho biết: Năm 2001, anh lập gia đình rồi sống cùng bố mẹ vợ. Vì gia đình không có đất sản xuất nên anh chủ yếu đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Vốn liếng tích góp được, anh dành mua bò và đất rẫy. Tuy nhiên, do không nắm vững kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên khó khăn cứ đeo bám. Năm 2013, sau khi tham gia lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp, anh bán hết bò để mua thêm đất trồng mía. Đến năm 2017, nhận thấy cây ớt mang lại hiệu quả cao, anh chuyển một phần diện tích mía kém hiệu quả để trồng. Nhờ vậy, kinh tế gia đình từng bước cải thiện. “Năm 2017, ớt có giá 80-100 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, 3 sào ớt mang lại cho gia đình mình nguồn thu 100 triệu đồng. Mình đang sở hữu hơn 3 ha mì, 6 sào mía, 2 sào ớt, 8 con bò sinh sản. Cùng với việc nhận làm thêm công việc xây nhà cho bà con trong xã, bình quân mỗi năm, mình tích lũy hơn 100 triệu đồng. Gia đình cũng đã thoát nghèo”-anh Kót bày tỏ.

Nhiều người trong làng thấy anh Kót biết làm ăn nên đến học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Ông Đinh Thuynh chia sẻ: “Lúc trước, gia đình mình chủ yếu trồng mì nhưng thu nhập rất bấp bênh. Nhờ anh Kót hướng dẫn kỹ thuật, mình đã chuyển 3 sào mì sang trồng ớt. Từ đó, gia đình mình có thu nhập ổn định, mua được máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

Làm kinh tế giỏi, lại nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với bà con, năm 2020, anh Kót được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Anh chia sẻ: Làng Ó có 76 hộ với 215 khẩu. Ngoài động viên, hướng dẫn dân làng chăm lo lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, anh còn tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng. Cũng nhờ sự đóng góp của anh Kót mà từ năm 2020 đến nay, làng Ó luôn đạt danh hiệu làng văn hóa và hiện chỉ còn 5 hộ nghèo.

Ông Đinh Khiếp là người uy tín của xã An Trung. Ảnh: R'Ô HOK
Ông Đinh Khiếp là người uy tín ở xã An Trung. Ảnh: R'Ô HOK


Cũng là người có uy tín ở địa phương, ông Đinh Khiếp (làng Brọch Siêu) thường xuyên phối hợp với tổ an ninh của làng giải quyết các tranh chấp phát sinh trong cộng đồng, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Ông cho biết: Người Bahnar vẫn còn giữ nhiều tập tục lạc hậu. Khi có mâu thuẫn, vợ chồng bỏ nhau thường phạt vạ bằng bò, heo gây ảnh hưởng đến đời sống. Vì vậy, ông tích cực tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Từ năm 2009 đến nay, ông đã giải quyết nhiều vụ mâu thuẫn trong làng liên quan đến vợ chồng bỏ nhau và đòi phạt vạ nặng. Đơn cử, năm 2019, vì xích mích trong gia đình nên ông Đinh Dư nghĩ quẩn uống thuốc cỏ tự tử. Sau khi sự việc xảy ra, bố mẹ, họ hàng ông Dư đòi phạt vạ gia đình bên vợ. Tuy nhiên, vì gia đình bên vợ cũng khó khăn nên không đủ chi trả khoản phạt. Nắm bắt sự việc, ông phối hợp với tổ hòa giải xuống tận nhà khuyên nhủ, giải thích thấu tình đạt lý để 2 gia đình thông cảm với nhau.

Không chỉ giỏi hòa giải, ông Khiếp còn là điển hình làm kinh tế ở địa phương. Trước đây, ông chủ yếu trồng lúa rẫy và bắp nên kinh tế khó khăn. Năm 2019, ông được chính quyền hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để chăn nuôi bò và trồng ớt. Qua năm sau, khi tham gia Nông hội chăn nuôi, trồng trọt của làng, ông biết thêm nhiều kiến thức về sản xuất nông nghiệp để áp dụng vào thực tế. “Từ khi trồng thêm ớt và chăn nuôi bò, gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn. Hiện gia đình có 3 ha mía, 2 ha mì, 4 sào lúa, 3 sào ớt và 6 con bò. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng”-ông Khiếp cho hay. Với những đóng góp của mình, ông luôn được bà con tôn trọng, chính quyền địa phương ghi nhận. Năm 2020, ông được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư giai đoạn 2018-2020.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Phượng-Chủ tịch UBND xã An Trung-thông tin: Xã có 8 người uy tín. Thời gian qua, những người uy tín tại địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ cũng luôn đi đầu trong phát triển kinh tế; vận động, hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, xóa bỏ tập tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 

 R'Ô HOK
 

Có thể bạn quan tâm