Thời sự - Bình luận

Những ô cửa buồn tênh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều kiôt chợ Bến Thành vẫn tiếp tục cửa đóng then cài. Hơn 6 tháng qua, dịch COVID-19 vẫn để lại nhiều 'di chứng' nặng nề cho ngôi chợ sầm uất của thành phố năng động bậc nhất cả nước, hơn 50% tiểu thương tại đây chưa thể mở lại quầy sạp.


Nửa triệu lao động ở TP. Hồ Chí Minh mất việc, doanh thu dịch vụ lữ hành giảm 71,2%, khách du lịch đến thành phố giảm hơn 90%, hàng ngàn doanh nghiệp tiếp tục âm thầm thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân trong sáu tháng đầu năm 2020...

Các thông số đó khiến những người thờ ơ nhất với thời cuộc cũng phải giật mình thảng thốt. Bởi dù Chính phủ đã đưa ra các gói chính sách tài khóa lẫn tiền tệ, an sinh xã hội có quy mô hơn 240.000 tỉ đồng nhằm giãn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất, chi cho người nghèo trong thời gian qua rất kịp thời, đúng lúc, nhưng ảnh hưởng ghê gớm của dịch COVID-19 vẫn tác động trực diện đến đời sống hằng ngày của người dân, doanh nghiệp.

Chính vì vậy, việc nhận diện rõ rủi ro và tìm kiếm các biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả hơn để có thể kiểm soát lạm phát dưới 4%, dốc lực tối đa để "kéo" cho được mục tiêu tăng trưởng ở mức gần 4% trong năm nay như Chính phủ đặt ra là vô cùng cần thiết.

Và việc cần có thêm một gói hỗ trợ mới, "cấp cứu" tiếp cho cả nền kinh tế với các chính sách thực hiện linh hoạt, đi vào thực chất hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở những lĩnh vực trọng yếu đang bị suy giảm nghiêm trọng cũng phải được tính đến.

Tuy nhiên, thách thức không nhỏ mà gói hỗ trợ mới này phải đối diện, đó là phải giải quyết hài hòa nhiều tình huống xung đột có thể xảy ra trong cơ chế điều hành tới đây.

Sẽ rất khó để vừa không được lơ là nhiệm vụ kiểm soát giá, các bộ ngành, địa phương vừa phải có giải pháp để thúc đẩy phát triển, kích thích tăng trưởng.

Hay để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ít nhất 10% thì không được thắt chặt tiền tệ, nhưng vẫn phải kiềm chế để lạm phát không vượt quá 4%.

Ngoài ra, các vướng mắc ở những điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được các tiêu chí hỗ trợ mới cũng phải được gỡ bỏ.

Không thể để tiếp tục tồn tại những loại quy định kiểu như bắt doanh nghiệp phải "đạt" được 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội phải nghỉ việc, hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh thì mới được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng.

Hoặc buộc doanh nghiệp phải chứng minh không có nguồn thu thì mới được vay lãi suất 0% để trả lương cho công nhân...

Trong khi đó, các biện pháp kích cầu tổng lực thị trường nội địa, nơi "bao tiêu" đầu ra hữu hiệu nhất cho doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn hiện nay, nếu được Bộ Tài chính "khuyến mãi" giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần không nhỏ cho việc kích thích sức mua, người dân mạnh tay móc hầu bao khi mua sắm...

Hi vọng với sự trợ giúp của Chính phủ, tới đây các gói hỗ trợ tiếp cứu nền kinh tế sẽ được "thiết kế" không chỉ sáng tạo trong các giải pháp thực hiện mà còn mới mẻ, dễ vận dụng khi đi vào thực tiễn đời sống.

Nếu không, cơ hội hồi phục kinh tế nước nhà không chỉ mất đi mà cả việc "dọn ổ" đón làn sóng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư từ các nước trong và ngoài khu vực cũng mất nốt.

 

Theo TRẦN VŨ NGHI (TTO)

Có thể bạn quan tâm