(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 1.849 cựu tù chính trị yêu nước. Không chỉ đấu tranh bất khuất trong lao tù thực dân, đế quốc, khi trở về cuộc sống thường ngày, họ cũng rất mực nghĩa tình với bà con làng xóm, quê hương.
Đoàn đại biểu Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh viếng thăm Nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Hoàng Cư |
Tuy đã 82 tuổi đời và hơn 50 tuổi Đảng nhưng ông Phan Kỳ (tên thường gọi là ông Hai Lúa, ở tổ 6, phường Ia Kring, TP. Pleiku) vẫn rất minh mẫn, thường xuyên đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể.
Ông kể, năm 1957, ông làm công nhân của đồn điền chè Bàu Cạn (CATECKA). Giác ngộ cách mạng, ông tiên phong đi trừ gian, diệt ác và trở thành Thượng úy, Trung đội trưởng Trung đội vũ trang nhân dân khu 9 (nay là TP. Pleiku). Ông bị địch mai phục bắt giam trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.
Địch nhiều lần dụ dỗ, tra tấn dã man nhưng không khai thác được thông tin gì quan trọng, địch bắt ông đi biệt giam ngoài trại giam Phú Quốc. Tại nơi địa ngục trần gian này, ông tích cực đấu tranh đòi quyền “dân sinh, dân chủ” và cùng với các đồng chí, đồng đội mưu trí đào khoét đường hầm bí mật từ trong phòng giam ra ngoài, nhưng không thành. Ông bị địch dùng búa đập nát mắt cá chân phải.
Sau ngày 26-3-1973, được trao trả theo Hiệp định Paris, ông hăng hái về căn cứ xã Gào hoạt động điệp báo. Sau năm 1975, ông làm Phó Công an thị xã Pleiku, Trưởng ban Quản lý chợ Mới Pleiku... Đến năm 1998, ông nghỉ hưu, ở nhà giúp con cháu, góp phần xây dựng tổ dân phố và thăm hỏi, động viên đồng chí, đồng đội.
Ông Phan Kỳ. Ảnh: Hoàng Cư |
Bà Phạm Thị Năm (tổ 1, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) cũng là một trong những cựu tù chính trị kiên trung bất khuất. Bà sinh năm 1938 tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Năm 1962, Mỹ-ngụy bắt gia đình bà lên ở dinh điền Nhơn Thọ, xã Hà Ra, huyện Mang Yang. Tại đây, bà tham gia hoạt động cách mạng. Ngày 4-2-1968, bà bị địch bắt vào Nhà lao Pleiku.
Sau một thời gian tra khảo nhưng không khai thác được gì, địch giam bà trong các nhà tù Phú Tài, Cần Thơ, Tây Ninh. Ở đâu, địch cũng dùng những thủ đoạn mua chuộc tinh vi, tra tấn rất dã man, nhưng bà vẫn không khai báo bất kỳ điều gì bất lợi cho cách mạng, luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, thà chết chứ không quỳ gối, thà chết chứ không chào cờ ngụy... Ngày 20-12-1969, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn 5 năm bị tù đày, ngày 15-3-1973, bà được trở về Nhơn Thọ sinh sống.
Kể đến đây, bà Năm tạm dừng câu chuyện để uống ly nước, rồi lại chậm rãi nói: “Sau khi ra tù, được trở về Gia Lai là niềm hạnh phúc lớn lao. Được tổ chức cử đi học bổ túc văn hóa và thanh vận, tôi đã cố gắng học hành và công tác. Đến năm 1994 thì tôi nghỉ chế độ”. Sau khi nghỉ hưu, bà tham gia Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố. Dù làm gì, ở đâu, bà cũng luôn gương mẫu thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, sống hòa thuận, nghĩa tình với mọi người.
Bà Phạm Thị Năm. Ảnh: Hoàng Cư |
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Thuận-Ủy viên Thường trực, Trưởng ban kiểm tra Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh-khẳng định: “Sống trong lao tù của địch, các cựu tù chính trị yêu nước đều phải kiên trung, bất khuất. Được trở về đời thường, ai cũng vui mừng, sống tình nghĩa, thủy chung với đồng chí, đồng đội và nêu gương sáng trong mọi lĩnh vực, góp phần tô thắm truyền thống anh hùng của dân tộc, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho các thế hệ, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.
HOÀNG CƯ