Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Những tiếng nói tâm huyết của Hội cựu tù Chính trị yêu nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiệm kỳ qua, Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và đã đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là việc giữ mối liên hệ chặt chẽ, chia sẻ, gắn kết các hội viên. Nhân Đại hội đại biểu Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh lần thứ VI, P.V Báo Gia Lai Điện tử đã ghi lại những ý kiến tâm huyết của các cựu tù chính trị yêu nước.
Các cựu tù chính trị yêu nước thắp hương tại Bia tưởng niệm Trại giam tù binh Pleiku. Ảnh: T.B
Các cựu tù chính trị yêu nước thắp hương tại Bia tưởng niệm Trại giam tù binh Pleiku. Ảnh: T.B
* Ông TRẦN CHÍN-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh: Chú trọng chăm lo đời sống hội viên
 
Đồng chí, đồng đội phải luôn gắn bó thủy chung, son sắt không chỉ trong kháng chiến mà cả trong thời bình. Chính vì thế, hàng năm, Tỉnh hội đều trích nguồn quỹ 20-30 triệu đồng để tổ chức thăm hỏi, động viên hội viên lúc ốm đau, hoạn nạn. Nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Tỉnh hội đã đẩy mạnh phong trào “Tình nghĩa thủy chung đồng đội”. Nhờ đó, nhiều Ban Liên lạc Cựu tù chính trị yêu nước có số vốn hoạt động 20-30 triệu đồng. Cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cũng đã có sự quan tâm sâu sát đối với đối tượng cựu tù chính trị yêu nước như tặng nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà dột nát cho hội viên...
Để chăm lo đời sống tinh thần cho hội viên, Tỉnh hội đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức cho hội viên về nguồn nhằm thăm lại chiến trường xưa. Đặc biệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Tài chính đã hỗ trợ kinh phí tổ chức cho 70 hội viên đi dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương, Nhà tù Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc, Di tích Lịch sử Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam-Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.239 hội viên cựu tù chính trị yêu nước, trong số này có 2.003 người được hưởng chế độ theo Nghị định 31 của Chính phủ. Với 236 hội viên chưa được hưởng chế độ, thời gian tới, Tỉnh hội sẽ cố gắng giúp đỡ, hướng dẫn hội viên bổ sung, hoàn tất hồ sơ để không bị thiệt thòi.
* Ông PHAN ĐƯỚC-Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh:  Cần sớm công nhận Trại giam tù binh Pleiku là di tích lịch sử
 
Trại giam tù binh Pleiku (nay tọa lạc ở đường Yết Kiêu, tổ 10, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) là nơi Mỹ-ngụy đã giam giữ, đọa đày hơn 4.000 chiến sĩ cách mạng. Ngày 3-2-1967, chi bộ Đảng đầu tiên của trại giam được thành lập mang tên “3-2”, đồng chí Nguyễn Kim Hùng được bầu làm Bí thư. Từ năm 1967 đến 1969, Đảng ủy Trại giam tù binh Pleiku thành lập được 20 chi bộ với 200 đảng viên sinh hoạt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Trại giam tù binh Pleiku đã anh dũng đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, giữ gìn khí tiết cách mạng dù bị Mỹ-ngụy tra tấn dã man. Sau giải phóng, các đơn vị đã tìm kiếm, cất bốc được 240 bộ hài cốt chiến sĩ tù binh bị giặc giết hại và di dời về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều chiến sĩ đã hy sinh chưa tìm được hài cốt.
Dù tỉnh đã quan tâm xây dựng bia tưởng niệm để chúng tôi đến thắp nén nhang cho đồng đội nhưng quy mô khu vực này và bia tưởng niệm hiện tại quá nhỏ, chưa được nhiều người biết đến. Tôi mong muốn chính quyền các cấp cần sớm công nhận đây là di tích lịch sử cách mạng để nơi này trở thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống. 
 
* Ông NGUYỄN TẤN THÀNH-Phó Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị  yêu nước xã Nam Yang (huyện Đak Đoa):  Quan tâm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Trong kháng chiến, tôi tham gia tiếp tế nhu yếu phẩm cho bộ đội, bị giặc phát hiện và bắt giam tại Nhà lao Pleiku trong 3 năm. Là chứng nhân lịch sử nên trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi đã có nhiều buổi nói chuyện về gương đấu tranh, chiến đấu và hy sinh trong lao tù Mỹ-ngụy cho học sinh các trường học, đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã. Bản thân tôi cũng giáo dục con cháu trong gia đình chăm lo học hành, không vi phạm pháp luật, tu dưỡng đạo đức, lối sống và nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm