Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Nỗ lực giải quyết hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và giải quyết hồ sơ đối tượng chính sách tồn đọng sau chiến tranh được tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm.

Những kết quả bước đầu

Theo Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ tỉnh (Ban Chỉ đạo 515), từ năm 2013 đến nay, các lực lượng đã xác định thông tin trên 700 lượt người; tổ chức phát hơn 339.194 phiếu thu thập thông tin, thu về 307.034 phiếu, trong đó có 602 phiếu có thông tin quan trọng. Trên cơ sở đó, Ban đã chỉ đạo tổ chức khảo sát, tìm kiếm và khai quật tại 155 địa điểm. Qua đó, quy tập được 347 hài cốt liệt sĩ trong nước (38 liệt sĩ có tên), 284 hài cốt liệt sĩ ở Campuchia (1 liệt sĩ có tên); làm thủ tục di chuyển 172 hài cốt liệt sĩ về quê theo nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ.

Đại tá Lê Tuấn Hiền-Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 515 tỉnh-cho biết: “Có được kết quả trên là nhờ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thường xuyên được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp triển khai tích cực của các ban, ngành, địa phương với quy mô, cấp độ ngày càng rộng lớn hơn”.

 Các tập thể, cá nhân nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin giai đoạn 2013-2020. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Các tập thể, cá nhân nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin giai đoạn 2013-2020. Ảnh: Vĩnh Hoàng


Nói về việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ theo nguyện vọng của gia đình, ông Trần Anh Sơn-Trưởng phòng Người có công (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho hay: Thời gian qua, đơn vị hướng dẫn Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các địa phương tiến hành lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ chưa có thông tin và có một phần thông tin chuyển về Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) để xét nghiệm ADN, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Kết quả, từ năm 2013 đến nay, các địa phương đã lấy mẫu sinh phẩm 178 trường hợp để xác định ADN danh tính hài cốt liệt sĩ, trong đó có 4 trường hợp đã xác định được ADN cùng huyết thống; xác định danh tính 1 hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng. Cùng với đó, công tác tổ chức bàn giao, đón nhận, truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ cũng được tỉnh thực hiện chặt chẽ, chu đáo.

Cùng với đó, công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với những người có công với nước được quan tâm thực hiện. Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: “Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã hoàn chỉnh thủ tục xác nhận cho trên 65.000 người hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có 19.442 đối tượng được chi trả chế độ trợ cấp một lần với tổng số tiền hơn 55,3 tỷ đồng. Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện nhằm đáp ứng nguyện vọng của các đối tượng có công”.

Nỗ lực giải quyết hồ sơ tồn đọng

Hiện nay, toàn tỉnh còn hơn 2.500 liệt sĩ chưa tìm kiếm được hài cốt, xác định danh tính và gần 2.000 trường hợp đã lập hồ sơ nhưng còn thiếu một số giấy tờ, thủ tục nên chưa giải quyết chế độ chính sách.  

Theo Đại tá Lê Tuấn Hiền, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ gặp nhiều khó khăn do chiến tranh kết thúc đã lâu, địa hình thay đổi nên khó xác định được chính xác vị trí an táng ban đầu của liệt sĩ; thông tin cung cấp về khu vực mộ liệt sĩ thiếu chính xác, công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ mộ liệt sĩ, thông tin về liệt sĩ còn hạn chế, một số trường hợp bị thất lạc... “Thời gian tới, đơn vị căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, số lượng thông tin về mộ liệt sĩ, tổ chức lực lượng chuyên trách phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Với nhiệm vụ quy tập trong nước, tiếp tục lấy lực lượng chuyên trách làm nòng cốt, cùng với lực lượng Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thị xã và thành phố phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tổ chức tìm kiếm, quy tập các phần mộ trên địa bàn chặt chẽ, nhằm đạt hiệu quả cao nhất”-Đại tá Hiền bày tỏ.

Còn Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thì cho hay: “Sở tiếp tục phối hợp với địa phương và ban chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục hướng dẫn cụ thể từng trường hợp để giúp giải quyết hồ sơ đối tượng hưởng chế độ chính sách tồn đọng sau chiến tranh. Những trường hợp đủ điều kiện nhưng hồ sơ còn thiếu thì cán bộ cơ sở sẽ hướng dẫn cụ thể để thân nhân đối tượng bổ sung, hoàn chỉnh. Đến cuối năm 2022, chúng ta phấn đấu cơ bản giải quyết xong hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh”.

 

ĐINH YẾN
 

Có thể bạn quan tâm