Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Nơi hội tụ đặc sản địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Showroom trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc sản Gia Lai của Hợp tác xã (HTX) Khoa học công nghệ-Thương mại cà phê Việt Nam (HTX VCSC) tại số 104 Lê Lợi (TP. Pleiku) là nơi hội tụ các mặt hàng đặc sản địa phương, sản phẩm tiêu biểu của các doanh nghiệp, cá nhân và HTX trên địa bàn tỉnh.

Với ý tưởng xây dựng điểm giới thiệu nông sản nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản và sản phẩm làng nghề truyền thống tới tay người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ HTX, doanh nghiệp, cá nhân tổ chức các sự kiện quảng bá đặc sản vùng miền, sản phẩm chất lượng cao, chị Nguyễn Thị Vy Vy-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX VCSC đã mở showroom trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc sản Gia Lai vào cuối tháng 1-2024.

Chị Vy cho biết: “Chúng tôi có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực trồng và chế biến cà phê. Hợp tác xã VCSC hiện có 20 thành viên. Sau khi mở showroom, để thu hút và tạo ấn tượng với người dân và du khách, chúng tôi đã miễn phí thức uống từ các dòng cà phê đặc sản.

Cùng với đó, HTX kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, HTX có nông sản đặc trưng hay sản phẩm đan lát, thổ cẩm từ các làng nghề mang tới trưng bày. Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ trong việc giới thiệu và bán sản phẩm”.

Chị Nguyễn Thị Vy Vy-Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX VCSC đã mạnh dạn mở showroom trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc sản Gia Lai. Ảnh: Mai Ka

Đến nay, showroom đã có trên 50 dòng sản phẩm đặc sản của 30 cơ sở, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh. Anh Nguyễn Văn Hân-Chủ cơ sở Nguyễn Hân Coffee Farm (làng Le 2, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Showroom là kênh kết nối sản phẩm chất lượng cao của Gia Lai với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Với yêu cầu cao từ khâu trồng trọt, sơ chế đến chế biến thành phẩm, cà phê bột Nguyễn Hân Coffee Farm vinh dự là 1 trong 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Tôi mong muốn sản phẩm của mình tiếp cận trực tiếp với du khách khi tới Gia Lai”.

Còn chị Trần Thị Mỹ Hiền-Đại diện cơ sở bò một nắng Tuấn Hậu (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) thì cho rằng: “Showroom chính là nơi chia sẻ, kết nối cộng đồng đưa các sản phẩm đặc trưng của địa phương ngày một vươn xa. Đây là một mô hình mới mẻ mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất và tiêu dùng.

Tuy mới tham gia trưng bày và bán hàng tại showroom nhưng sản phẩm bò một nắng của chúng tôi đã tạo được hiệu ứng tích cực, tiếp cận được nhiều dòng khách hàng khác nhau”.

Sản phẩm rượu cần trưng bày tại showroom được nhiều du khách lựa chọn làm quà tặng. Ảnh: M.K

Dù mới thành lập nhưng bước đầu showroom đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ cộng đồng về thị trường, hàng hóa, về kinh nghiệm quản lý, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Khi tập trung thành một tập thể, từng cá nhân sẽ nhận được sự hỗ trợ của cả cộng đồng, chia sẻ nguồn hàng, kinh nghiệm, thông tin.

Showroom có lợi thế hơn về vị thế, sự đa dạng hàng hóa cũng như mang lại cái nhìn tốt của đối tác về tính cộng đồng trong nhóm doanh nghiệp, HTX. Bên cạnh đó, hàng hóa tại đây giúp khách hàng định hình các thương hiệu, không nặng về chuyện thu lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm.

Tham gia cố vấn trực tiếp cho showroom, ông Nguyễn Hữu Long-Người sáng lập Học viện Cà phê Việt Nam VCA-cho hay: Showroom đã kết nối cộng đồng người làm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo sự lan tỏa và có nhiều cá nhân, tổ chức cùng đồng hành.

Không chỉ góp phần tạo dựng thương hiệu nông sản đặc sản chất lượng cao Gia Lai, showroom cùng cộng đồng đã tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tôn vinh sản phẩm nông-lâm sản an toàn nhằm kết nối cung-cầu bền vững theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; tư vấn trực tiếp cho khách hàng, người tiêu dùng về lợi ích của các sản phẩm nông sản an toàn, từ đó giúp nông sản Gia Lai giữ vững thị trường.

Chúng tôi mong muốn sẽ xây dựng showroom theo hướng trở thành một trung tâm xúc tiến phát triển cà phê-nông sản-đặc sản địa phương.

Có thể bạn quan tâm