Thời sự - Bình luận

Nông sản vùng dịch: Cần chính sách hơn hô hào giải cứu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khoảng 90.000 tấn rau màu vụ đông của tỉnh Hải Dương cần tiêu thụ nhanh nhưng khối lượng này không thể chỉ trông chờ vào những đợt giải cứu thông qua những điểm bán lẻ “giải cứu” bên đường.

Hàng hóa, nông sản Hải Dương khó khăn lưu thông do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh Mai Dung
Hàng hóa, nông sản Hải Dương khó khăn lưu thông do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh Mai Dung



Báo Lao Động điện tử dẫn câu chuyện về chị Ngô Thanh Thuỷ (ở đường Giải Phóng, Hà Nội) đứng ra hỗ trợ bà con Hải Dương bán nông sản đến thời điểm thu hoạch. Theo ghi nhận, ở điểm này, mỗi buổi tiêu thụ khoảng 15 tấn rau củ.

Để tiêu thụ hết số lượng rau củ đang tồn đọng ở Hải Dương đang héo úa mỗi giờ thì cần tới hàng nghìn điểm giải cứu như của chị Thuỷ.

Cái tâm của người bán và người mua rau đối với bà con vùng dịch đang khó khăn không phải bàn cãi. Nhưng hàng trăm, hàng nghìn điểm “giải cứu” là bất khả thi. Hơn nữa, chuyện giải cứu chỉ là nhất thời, manh mún, nhỏ lẻ.

Đây không phải lần đầu một địa phương, một khu vực bị phong toả, giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ song dường như cho đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn nào cụ thể, mang tính hệ thống trong việc hỗ trợ, lưu thông hàng hoá từ vùng có dịch.

Ghi nhận từ báo chí cho thấy, ngay việc kiểm soát phương tiện chở hàng hoá sản xuất, xuất khẩu từ Hải Dương đi các nơi tuy không còn “ngăn sông cấm chợ” nhưng mỗi nơi làm một cách. Chẳng hạn Bắc Ninh, Quảng Ninh yêu cầu trên xe chỉ có duy nhất 1 lái xe, không được có thêm người thứ 2. Hải Phòng yêu cầu lái xe phải có giấy xét nghiệm PCR chứng minh âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày gần nhất. Còn Thái Bình không đòi hỏi bất cứ xét nghiệm nào, chỉ cần người điều khiển khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện.

Nhiều địa phương lo ngại, SARS-CoV-2 có thể lây truyền qua hàng hoá. Lo ngại dù có cơ sở nhưng một vài huyện ở Hải Dương là ổ dịch không có nghĩa là toàn bộ Hải Dương biến thành ổ dịch.

Chiến lược với COVID-19 hiện nay là khoanh vùng nhanh, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc. Khái niệm phong toả hẹp cũng cần tính tới yếu tố hàng hoá, tức là hạn chế lưu thông hàng hoá đối với những khu vực hẹp đang là ổ dịch chứ không bắt buộc với hàng hoá trên diện rộng.

Đối với mặt hàng tiêu dùng, lại là câu chuyện mang tính vĩ mô hơn. Chẳng hạn như yêu cầu các siêu thị, các chuỗi bán lẻ tập trung ưu tiên rau củ quả của địa phương đang có dịch.

Tại cuộc họp giao ban của Thường trực Chính phủ về tình hình Tết và phòng, chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “trong phòng dịch phải gắn với đời sống và giải phóng hàng hóa”.

Dịch còn diễn biến phức tạp, câu chuyện giải cứu nông sản không dừng lại ở Hải Dương mà có thể lặp lại ở bất kỳ địa phương nào trong tương lai. Vì thế, cần một chính sách chung, tổng thể và toàn diện để áp dụng rộng rãi chứ không phải mỗi nơi một kiểu và trông vào những “chuyến xe giải cứu” nhỏ lẻ bên hè đường như hiện nay.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nong-san-vung-dich-can-chinh-sach-hon-ho-hao-giai-cuu-882293.ldo
 

Theo Hoàng Lâm (LĐO)

Có thể bạn quan tâm