Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Nữ sinh Bahnar 2 lần được gặp Bác Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ở khu trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tôi bắt gặp 1 cuốn sổ tay bên ngoài ghi “Giải thưởng của Bác Hồ”. Lần tìm hồ sơ hiện vật, tôi được biết cuốn sổ này của bà Kim Nhất ở phường Hoa Lư, TP. Pleiku. Càng bất ngờ hơn khi biết bà là người Bahnar và thời còn học tại Trường học sinh dân tộc miền Nam đã 2 lần được gặp Bác Hồ và được chụp ảnh với Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.

Bà Kim Nhất sinh năm 1952 ở xã Kon Gang (huyện Đak Đoa) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1954, bà được mẹ địu trên lưng cùng cả gia đình tập kết ra miền Bắc, sinh sống ở Hà Nội. Năm 1960, bà vào học Trường học sinh dân tộc miền Nam đóng tại Mễ Trì, Hà Đông. Dưới mái trường thân yêu này, bà Kim Nhất vinh dự được gặp Bác Hồ lần thứ nhất khi Bác đến thăm trường.

Bà Kim Nhất (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng năm 1963 (ảnh tư liệu).
Bà Kim Nhất (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng năm 1963 (ảnh tư liệu).


Theo hồ sơ ghi chép, năm 1961, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Trường học sinh dân tộc miền Nam. Bác đến bất ngờ, không thông báo trước. Học sinh được Ban Giám hiệu thông báo tập trung về sân trường trước khi Bác đến ít phút. Tất cả xếp hàng ngay ngắn chờ đón Bác. Ai cũng nghĩ rằng Bác sẽ đi vào từ hướng cổng thì bỗng trông thấy Người từ phía nhà bếp đi lên. Không ai bảo ai, mọi người đồng thanh hô vang: “Bác Hồ”. Sau này, mọi người mới biết khi Bác đến thăm trường nào đều “bí mật” kiểm tra khu ăn ở, nhà bếp, vệ sinh trước… Bác làm điều đó để tránh bệnh hình thức và đối phó. Sinh thời, Người luôn quan tâm đến những việc rất đỗi bình thường như miếng ăn, giấc ngủ... của các cháu học sinh.

Bà Kim Nhất được gặp Bác Hồ lần thứ 2 vào năm 1964. Lần ấy, bà cùng các bạn được Ban Giám hiệu nhà trường chọn đi tặng hoa các đại biểu dự Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc tại Hội trường Ba Đình. Trước giờ diễn ra đại hội đã thấy Bác đến hỏi thăm sức khỏe mọi người. Bác ân cần hỏi han cả các cháu học sinh đang đứng chờ chuẩn bị tặng hoa các anh hùng và chiến sĩ thi đua.

Nhưng vinh dự nhất đối với bà Kim Nhất là được Bác Hồ tặng quà và được chụp ảnh lưu niệm với Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Nhớ lời dặn của Bác Hồ phải học thật giỏi để trở về xây dựng quê hương miền Nam, cô nữ sinh người Bahnar đã chăm chỉ học tập và đạt thành tích xuất sắc. Chính vì vậy, năm 1963, bà và một bạn nam học cùng trường được Bác Hồ khen thưởng. Vì bận rộn nhiều công việc nên Bác đã ủy nhiệm cho Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đến trao thưởng. Quà của Bác Hồ là một cuốn sổ tay ngoài bìa ghi rõ “Giải thưởng của Bác Hồ”. Trong lễ tổng kết năm học 1962-1963, hai học sinh được Bác Hồ khen thưởng được mời lên ngồi trên hàng ghế danh dự, chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Tấm ảnh kỷ niệm và cuốn sổ tay “Giải thưởng của Bác Hồ” được bà Kim Nhất nâng niu, gìn giữ suốt bao nhiêu năm như báu vật trước khi tặng Bảo tàng tỉnh.

Từ những lần được gặp Bác, được Bác tặng quà và động viên, khích lệ tinh thần học tập, bà Kim Nhất luôn khắc ghi lời dạy của Người để nỗ lực vươn lên trong cuộc sống cũng như công tác. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Thái Nguyên, bà xin về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Năm 2000, bà được tổ chức điều động về làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh cho đến lúc nghỉ hưu năm 2005. Trong mọi hoàn cảnh và lĩnh vực công tác, bà đều thể hiện sự khiêm tốn, giản dị, trung thực và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Mới đây, tôi tìm tới nhà bà Kim Nhất với hy vọng hỏi thêm thông tin về những lần bà được gặp Bác Hồ, về học sinh miền Nam... Thế nhưng, gia đình cho biết bà đã qua đời sau cơn bạo bệnh. Bà Kim Nhất đã về cõi vĩnh hằng nhưng những hiện vật của bà trưng bày tại Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục “kể” với công chúng câu chuyện về cô nữ sinh dân tộc Bahnar học giỏi được Bác Hồ tặng quà và được chụp ảnh với Bác Tôn.

 

NGUYỄN ANH MINH
 

Có thể bạn quan tâm