(GLO)- Người tứ phương hay đồn thổi và xếp dân Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung là “dân ăn chơi có hạng” và hễ Sài Gòn có phong trào gì mới thì liền sau đó ở Pleiku cũng xuất hiện. Trong thực tế, từ việc làm ăn, kinh doanh hay mua sắm, người Pleiku rất “nhạy cảm” với cái mới và sẵn sàng thay đổi dù thực lực kinh tế gia đình chưa phải dư dả.
Đường Nguyễn Tất Thành (TP. Pleiku). Ảnh: Ngọc Sang |
Vài năm gần đây, người ta thấy trên các đường phố, trong các công sở, văn phòng công ty ở Pleiku xuất hiện ngày càng nhiều xe ô tô cá nhân, trong đó có không ít các loại xe xịn như: Camry, Audi, BMW… Đặc biệt, đa phần đều là xe “đập hộp” chứ không phải xe cũ mua lại. Những buổi sáng cuối tuần, trước các quán ăn, quán cà phê, xe ô tô con xếp hàng dài, nhiều nơi cản trở giao thông buộc cơ quan chức năng phải quy hoạch các tuyến đường cấm ô tô đậu đỗ hoặc cho phép nhưng phân ngày chẵn-lẻ. Nhiều hàng quán kinh doanh, nhất là nhà hàng ăn uống, trước đây khi xây dựng thiếu sự quy hoạch nơi đậu đỗ ô tô, giờ trở nên bất cập vì số lượng ô tô cá nhân tăng cao, lần lượt thay thế phương tiện xe máy.
Bên cạnh các doanh nhân, các chủ điền trang mà việc sắm ô tô cá nhân phục vụ việc kinh doanh, làm ăn là đương nhiên vì nó là phương tiện nhưng cũng là bề mặt thể hiện đẳng cấp trên thương trường thì gần đây, giới công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội, Công an cũng đua nhau mua sắm ô tô con, từ các dòng xe bình thường lắp ráp trong nước đến các hãng xe nổi tiếng được nhập khẩu nguyên đai nguyên kiện. Có thể, trong số cán bộ, công chức, viên chức ở Pleiku sắm ô tô riêng, phần lớn là có nhu cầu thực sự phục vụ đi lại của gia đình và công việc, vì nó là phương tiện chuyên chở được nhiều người, hàng hóa, độ an toàn cao hơn, thoải mái khi di chuyển trong mọi thời tiết.
Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp “phải” mua ô tô con vì “phong trào”, anh có thì tôi cũng có, mặc dù thu nhập chỉ đủ sống. Đôi khi, có gia đình, vợ chồng phải đi vay nóng vay nguội để mua ô tô về khoe với thiên hạ, bạn bè. Kiểu mua xe con để giải quyết khâu “oai” đang là tâm lý phổ biến trong giới công chức, viên chức. Nói vậy là bởi, với điều kiện thu nhập chính từ lương như hiện nay của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả hàng ngũ lãnh đạo thì nhiều người chưa thể đủ sức sắm ô tô làm phương tiện đi lại. Nếu vợ chồng làm công sở, nuôi ít nhất 2 đứa con đang tuổi học hành mà không có nguồn thu nhập khác ngoài lương thì đa phần chỉ đủ ở nhà thuê, đi xe máy, chưa thể nghĩ tới việc tậu nhà riêng, mua ô tô con.
Sự thay đổi mức sống trong đa phần nhân dân TP. Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung hiện nay là dấu hiệu đáng mừng, trong đó có giới công chức, viên chức. Có điều, người ta hơi ngạc nhiên là sản xuất kinh doanh tuy có tăng trưởng nhưng không có gì đột biến, nhất là tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương đang gặp khó khăn, giá hồ tiêu, cà phê chưa được cải thiện. Lương công chức, viên chức dù có nhích lên đôi chút nhưng chưa thấm gì với giá cả thị trường đang “tát nước theo mưa”.
Một nghịch cảnh nữa là hạ tầng giao thông trong thành phố cũng như trong tỉnh tuy có được đầu tư nâng cấp nhưng không theo kịp sự phát triển của các loại phương tiện đi lại, nhất là tình hình ô tô cá nhân tăng đột biến. Hiện tại, nhiều tuyến đường trong nội thành Pleiku được mở rộng nhưng thực tế không có chỗ cho ô tô con đậu đỗ. Tình trạng này, không chỉ riêng Pleiku mà những thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… cũng đang gặp phải. Đó là chưa nói đến tình trạng học lái không bài bản, vội vàng sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường cho những “tài xế bất đắc dĩ” này. Do vậy, việc chạy theo “phong trào” mua sắm ô tô con thời buổi hiện nay, mỗi người nên suy nghĩ lại, đặc biệt là xem xét nhu cầu thực tế và mức thu nhập của cá nhân, gia đình để điều chỉnh cuộc sống hợp với thực tế xã hội.
Bùi Quang Vinh