(GLO)- Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động báo cáo viên, công tác tuyên truyền miệng nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của tỉnh được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo xây dựng, củng cố và kiện toàn về tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập đội ngũ báo cáo viên Tỉnh ủy, ban hành quy chế hoạt động, quy chế cung cấp thông tin; chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tăng cường công tác quản lý, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho báo cáo viên Tỉnh ủy. Các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy chú trọng nâng cao chất lượng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên cấp huyện; chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác tuyên truyền. Các xã, phường, thị trấn cũng đã bố trí cán bộ phụ trách công tác tuyên giáo trực tiếp làm báo cáo viên.
Tính đến tháng 6-2022, tỉnh có 5 báo cáo viên Trung ương, 42 báo cáo viên Tỉnh ủy, 485 báo cáo viên cấp huyện, 3.609 tuyên truyền viên cơ sở. Việc lựa chọn báo cáo viên cấp ủy các cấp luôn bám sát quy chế, hướng dẫn, đảm bảo đủ tiêu chuẩn, đúng thành phần. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của tỉnh chú trọng hướng về cơ sở, hòa mình vào các phong trào của quần chúng, kịp thời tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Đồng chí Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy trao giải nhất Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi cấp tỉnh năm 2021 cho thí sinh Ngô Quốc Hưng (Đảng bộ Quân sự tỉnh). Ảnh: Đức Thụy |
Cơ sở vật chất, trang-thiết bị, phương tiện phục vụ công tác tuyên truyền miệng và hoạt động đội ngũ báo cáo viên bước đầu được quan tâm đầu tư. Nhiều loại phương tiện được trang bị và sử dụng có hiệu quả như: máy tính xách tay, máy chiếu, máy ghi âm, máy ảnh kỹ thuật số, hệ thống âm thanh... góp phần đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền miệng và nâng cao trình độ, kỹ năng của đội ngũ báo cáo viên. Tỉnh đã chỉ đạo đầu tư xây dựng hệ thống phòng họp trực tuyến thông suốt từ tỉnh đến cấp huyện, xã. Hiện nay, 17/17 huyện, thị xã, thành phố đã có phòng họp trực tuyến, 220/220 xã, phường, thị trấn đã được đầu tư trang-thiết bị phục vụ kết nối trực tuyến để tổ chức tiếp phát các hội nghị triển khai nghị quyết của Đảng và hội nghị báo cáo viên bằng hình thức trực tuyến hiệu quả.
Việc cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp được triển khai chặt chẽ. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hướng dẫn và chuyển tải đầy đủ các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền miệng do Ban Tuyên giáo Trung ương phát hành đến cấp ủy, Ban Tuyên giáo cấp huyện và các báo cáo viên Tỉnh ủy. Đồng thời, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên tập, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu tham khảo hàng tháng và theo chuyên đề để phục vụ công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, hàng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên tập, biên soạn tài liệu tham khảo gửi các báo cáo viên Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo các cấp theo đường công văn và mạng nội bộ.
Điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên trong những năm qua là chú trọng đổi mới về phương pháp tuyên truyền, nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin, thay đổi báo cáo viên theo từng nội dung chuyên đề, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, tình hình biển đảo, tình hình quốc tế... Các nội dung thông tin bảo đảm được tính toàn diện, hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết về lý luận và thực tiễn; nâng cao tính thời sự, tính định hướng, tính chiến đấu, tính thiết thực. Ngoài ra, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã linh hoạt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, chủ động xây dựng nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với từng đối tượng; kết hợp các phương pháp truyền thống như nói chuyện trực tiếp, vận động từng người, từng nhóm người với việc sử dụng và huy động các phương tiện hiện đại để tăng cường các hoạt động tuyên truyền. Chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được nâng cao về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đảm bảo tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.
Đổi mới công tác tuyên truyền miệng
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số địa phương chưa thật sự đổi mới về nội dung, hình thức. Phương pháp tuyên truyền của một số báo cáo viên, tuyên truyền viên còn thiếu sáng tạo, đơn điệu, một chiều, ít đối thoại nên hiệu quả chưa cao. Số lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên đông nhưng chưa mạnh, chất lượng hoạt động không đồng đều. Điều kiện về kinh phí và cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện truyền thanh ở cơ sở còn hạn chế, chưa phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của báo cáo viên. Đội ngũ làm công tác tuyên truyền hầu hết là cán bộ ở thôn, làng, việc cập nhật kiến thức, thông tin đôi lúc chưa kịp thời; kỹ năng truyền đạt xử lý thông tin còn hạn chế, do đó hiệu quả công tác tuyên truyền miệng ở một số địa phương, cơ sở chưa cao.
Quang cảnh lớp tập huấn phổ biến công tác tuyên truyền trong hệ thống Mặt trận năm 2022 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku tổ chức. Ảnh: Hồng Thương |
Để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động báo cáo viên và công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh trong điều kiện mới, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về vấn đề này; tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; kịp thời thay đổi các báo cáo viên thiếu nhiệt tình, năng lực, kỹ năng tuyên truyền miệng; chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tố mới, trẻ... Đồng thời, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại và cung cấp kịp thời, đầy đủ các tài liệu, thông tin cần thiết cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên hoạt động; chú trọng hình thức trực tuyến từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã để phục vụ công tác tuyên truyền bảo đảm tính kịp thời, tiết kiệm.
Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên cần gắn chặt với từng đối tượng cụ thể, đặc biệt là thanh niên, học sinh, trí thức, công nhân, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo…; tăng cường tổ chức tuyên truyền theo nhóm, từng người, thường xuyên đối thoại với Nhân dân. Đổi mới hoạt động tuyên truyền miệng nhân các sự kiện chính trị, xã hội, kỷ niệm các ngày lễ, những vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương; tạo sự phối hợp chặt chẽ trong các đợt tuyên truyền trọng điểm. Đẩy mạnh hơn nữa mật độ, tính nhanh nhẹn và nhạy bén, xem trọng hiệu quả của công tác thông tin nội bộ trong hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên. Thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức thông tin, bảo đảm kịp thời, có tính định hướng cao cho hoạt động tuyên truyền miệng. Tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên tham gia đấu tranh phản bác các nội dung, thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Nâng cao tính thời sự, tính chiến đấu, tính thuyết phục của thông tin; trong tuyên truyền cần chú trọng gắn truyền đạt với đối thoại, trao đổi, tạo bầu không khí thoải mái để người nghe dễ tiếp thu.
TỐNG THỚI MỐC