(GLO)- Với sự xuất hiện của biến thể Delta và dự báo dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi chiến lược ứng phó từ “Zero Covid” sang sống chung an toàn với dịch bệnh. Tại Việt Nam, trên cơ sở đánh giá thực tiễn tình hình và công tác phòng-chống dịch Covid-19, ngày 11-10-2021, Chính phủ có Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Theo đánh giá của Chính phủ, qua hơn 2 tháng triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, kinh tế-xã hội khởi sắc với nhiều điểm sáng. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, số ca nhiễm và lượng người tử vong do Covid-19 gia tăng trở lại trong thời gian gần đây. Đặc biệt, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại Gia Lai, những ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày từ 2 đến 3 con số. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều ổ dịch phức tạp, trong đó có nhiều ca ngoài cộng đồng và chưa rõ nguồn lây. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng-chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm soát các “điểm nóng”. Khi xác định có ổ dịch thì triển khai theo nguyên tắc khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp, nghiêm ngặt; tiến hành xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch, sớm bóc tách F0, F1 để đưa đi điều trị và cách ly có hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với những vùng không có dịch, tỉnh nới lỏng dần các hoạt động nhưng vẫn giữ nghiêm nguyên tắc 5K. Cùng với nỗ lực tiêm phủ vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng, Ban Chỉ đạo tỉnh tập trung các giải pháp nâng cao năng lực điều trị Covid-19 và củng cố miễn dịch bằng tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 nhắc lại. Để nâng cao hiệu quả công các phòng-chống dịch, Ban Chỉ đạo tỉnh khuyến cáo người dân nghiêm túc thực hiện thông điệp “5K+vắc xin+công nghệ” cũng như tuân thủ các quy định của ngành Y tế…
Có thể khẳng định, quan điểm chỉ đạo và việc triển khai các biện pháp phòng-chống dịch của tỉnh ta là rất chủ động, kịp thời, cụ thể, quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế. Tuy vậy, một bộ phận người dân dường như vẫn chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cũng như công tác phòng-chống dịch hiện nay. Vì vậy, thời gian qua, một bộ phận người dân tỏ ra chủ quan sau khi được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tại nơi công cộng, nhiều người mặc nhiên bỏ qua nguyên tắc 5K trong khi giao tiếp. Đặc biệt, tại các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, giải khát… tình trạng tụ tập đông người vừa ăn uống (tất nhiên không mang khẩu trang lúc ăn uống) vừa trò chuyện, giao lưu vẫn xảy ra khá phổ biến. Đây thực sự là môi trường rất dễ lây lan dịch bệnh, nhất là đối với biến thể Delta hay Omicron (nếu có). Việc xuất hiện các ổ dịch tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số, khu dân cư hay tại một số chợ trong thời gian qua có nguyên nhân từ tình trạng này.
Để công tác phòng-chống dịch Covid-19 mang lại hiệu quả trên thực tế, thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và tổ Covid cộng đồng tại các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân về dịch bệnh. Bởi lẽ, một khi nhận thức đúng thì người dân mới hành động đúng. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nguyên tắc 5K theo quy định. Giáng sinh và Tết Dương lịch 2022 là dịp để người dân vui chơi, giải trí sau một năm học tập, lao động vất vả. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đây cũng là thời điểm rất dễ lây lan dịch bệnh. Vì vậy, chính quyền các địa phương trong tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân nghiêm túc chấp hành quy định về phòng-chống dịch, nhất là tại những khu vực có nguy cơ cao.
DUY LÊ