Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Quan tâm chăm sóc gia đình chính sách, người có công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Gia Lai luôn quan tâm thực hiện tốt công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh rất chú trọng chăm lo các gia đình chính sách, người có công. Theo đó, ngành vận động, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tặng sổ tiết kiệm; xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công; ưu tiên vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ con em học phổ thông, học nghề, xuất khẩu lao động; thăm, tặng quà dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), lễ, Tết… Hiện nay, tỉnh ta không còn gia đình chính sách và người có công thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; 98% người có công với cách mạng có nhà ở ổn định.
Trong năm 2021, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, xử lý 1.135 hồ sơ liên thông để tháo gỡ các trường hợp vướng mắc về chế độ chính sách. Cùng với đó, ngành đã hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu cho 3 Mẹ Việt Nam anh hùng, phong tặng 1 Mẹ Việt Nam anh hùng; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh trợ cấp một lần cho các đối tượng theo quy định...
Lãnh đạo huyện Đak Đoa thăm tặng quà gia đình chính sách. Ảnh: Đinh Yến
Ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa thăm tặng quà gia đình chính sách. Ảnh: Đinh Yến
Cùng với đó, Sở phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương huy động nguồn lực hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho gia đình chính sách tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có việc vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.
Toàn tỉnh có trên 65.000 gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức và đạt kết quả tích cực. Cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi cho cá nhân và gia đình người có công, các địa phương rà soát nắm thông tin những trường hợp còn gặp khó khăn về đời sống để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tặng nhà cho thương binh Đinh Thị Yem (xã Tơ Tung, huyện Kbang). Ảnh: Đinh Yến
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tặng nhà cho thương binh Đinh Thị Yem (xã Tơ Tung, huyện Kbang). Ảnh: Đinh Yến
Ông Oam (làng Rkhương Tleo, xã Kdang, huyện Đak Đoa) cho hay: “Hàng tháng, tôi được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách. Vào dịp lễ, Tết, đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương còn thăm hỏi, động viên. Những tình cảm ấy làm tôi rất phấn khởi. Dẫu trên người mang thương tích của chiến tranh, nhưng tôi luôn cố gắng lao động sản xuất. Gia đình tôi có hơn 2 ha cà phê trồng xen 1.000 trụ hồ tiêu, 2 ha lúa nước. Nhìn chung đời sống gia đình ổn định, không còn cảnh nghèo khó như trước đây”.
Toàn tỉnh có 214 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 15 mẹ còn sống. Tất cả các mẹ đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc. Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Đạt (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) bày tỏ: “Mẹ có chồng và con đều hy sinh cho cách mạng. Mẹ thường giáo dục con cháu và lớp trẻ ở địa phương phải biết trân trọng quá khứ, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, ra sức học tập, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận trên 65.000 trường hợp hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có 9.583 gia đình liệt sĩ, 214 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 9 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 21 cán bộ lão thành cách mạng, 96 cán bộ tiền khởi nghĩa, 2.514 thương binh, 4.006 bệnh binh, 14.530 người có công với cách mạng, 3.409 người bị nhiễm chất độc hóa học, 18.831 người hoạt động kháng chiến.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm