Rượu cần men "có đôi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cũng như các dân tộc khác sinh sống ở đại ngàn Tây Nguyên, mùa xuân với người Bahnar ở làng Đê Tul (xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa) cũng là mùa của chinh chiêng, mùa “ăn năm, uống tháng” với những ché rượu cần nối thành hàng dài. Và chuyện thưởng thức rượu cần ủ bằng men rượu “có đôi” ở Đê Tul hẳn là điều độc đáo, hiếm thấy.

 

Men “vợ”, men “chồng”

Đê Tul là ngôi làng Bahnar chứa đựng nhiều câu chuyện kỳ lạ và thú vị. Mỗi phong tục của người làng Đê Tul đều thể hiện quan niệm “có đôi” một cách hết sức tự nhiên và giàu tính nhân văn. “Con người có đôi và men rượu cần hay chiếc ghè cũng vậy”-già làng Nghir lý giải. Đó là lý do ngôi làng đặc biệt này có đến 2 nhà rông: nhà rông “chồng”, nhà rông “vợ”.

Rượu cần làng Đê Tul được ủ bằng loại men làm từ cây rừng. Người Đê Tul phân biệt men “vợ”, men “chồng” bằng hình dáng bánh men dù nguyên liệu hoàn toàn giống nhau. Men “chồng” có hình vuông và men “vợ” hình tròn, tượng trưng cho trời và đất. Men “vợ” sẽ được đem ủ trong ghè rượu “vợ” và men “chồng” ủ trong ghè rượu “chồng”.

Các chị em làng Đê Tul cùng nhau làm men rượu. Ảnh: L.H



Người làng Đê Tul thường ủ rượu cần từ gạo, bắp, mì hay hạt bo bo. Chị Y Thu-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Đê Tul-chia sẻ: “Người ủ rượu phải là người lớn tuổi nhất hoặc là người làm rượu ghè ngon nhất, khéo nhất. Đặc biệt, người đó tính khí phải hiền hòa, tuyệt đối không thể là người nóng nảy, để mọi người uống rượu không “phải vía”, khi say không hung hãn, quậy phá”. Cũng theo chị Y Thu, khi đưa nguyên liệu vào chiếc ghè đầu tiên, người ủ rượu phải khấn xin Yàng ban cho người làng Đê Tul những ghè rượu thơm ngon nhất. Một phần nghi lễ nữa cũng không thể thiếu là mời những người đã khuất về thụ hưởng và xin họ đừng quấy phá làm hỏng ghè rượu.

Men rượu từ cây rừng

Không chỉ ủ rượu dành cho những cuộc vui trong gia đình và trong làng, hiện nay, chị em làng Đê Tul đã cùng nhau thành lập tổ sản xuất men rượu cần truyền thống gồm 27 thành viên với mong muốn đưa loại men này vươn xa khỏi “lũy tre làng”.

 

Bà H'Súy-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đak Đoa: “Sản phẩm rượu cần ủ bằng men truyền thống của làng Đê Tul từng góp mặt tại một số sự kiện, lễ hội tổ chức tại Hà Nội và một số tỉnh thành khác. Đây là mô hình độc đáo góp phần giữ gìn và phát huy đặc sản ẩm thực truyền thống của người Bahnar vùng Đak Sơ Mei”.

Bà Uot (70 tuổi) là người lớn tuổi nhất tham gia tổ sản xuất men rượu truyền thống làng Đê Tul. Theo bà Uot, men rượu cần truyền thống được làm từ những nguyên liệu hết sức gần gũi trong đời sống thường ngày: ớt chín, củ riềng, gạo ngon, vỏ trấu. Và đặc biệt, men không thể thiếu vỏ cây hyam. Cây hyam lấy trên rừng về đem rửa sạch, sau đó tước lấy phần vỏ, cây đem giã nát và ngâm với nước sạch. Gạo tẻ ngâm nước cho ngậm nước, để ráo rồi đem giã nhuyễn cùng với ớt trái, củ riềng. Hỗn hợp bột này sau đó được đem trộn với nước vỏ cây hyam và nặn thành những bánh men có phủ bên ngoài một lớp vỏ trấu. Tiếp theo, người làng sẽ lấy “yă buih” tức “men mẹ”, vốn được cất trữ từ lần làm men rượu thành công trước đó, rắc một lớp nhẹ lên các bánh men “vợ”, men “chồng”. Sau khi cấy yă buih, các bánh men sẽ được đem phơi trên gác bếp hoặc ngoài trời nắng nhẹ 2-3 ngày để men “chín”.

Sau khi làm chừng một tuần, bẻ đôi bánh men sẽ thấy một chút điểm hồng nằm ở giữa. Đây chính là dấu hiệu báo cho người làng biết rằng chất men đã thành công, Yàng đã đồng ý ban cho làng một mẻ men hứa hẹn những ghè rượu cần thơm ngon ngây ngất… Đem ủ men rượu với gạo, mì.. chừng 1-2 tuần tùy tiết trời nóng hay lạnh, rượu cần sẽ ngấm và có thể mang ra thưởng thức.

Trong khi ủ, để vị rượu được đậm đà, người làng Đê Tul sẽ lót một lớp lá cây hyam trong ghè rượu. Rượu cần ủ men truyền thống để càng lâu càng ngon. Ngon nhất là khi đem hạ thổ ghè rượu vài tháng cho đến cả năm. Đây là cách thức tạo ra loại rượu cần thượng hạng của người Bahnar ở vùng Đak Sơ Mei.

 LÊ HÒA

 

Có thể bạn quan tâm