Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Sáng mãi tinh thần những người 'dời non lấp biển'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 15/7/1950, tại Núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đơn vị TNXP đầu tiên chính thức được thành lập với mục đích được Bác Hồ chỉ rõ: “Để phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ cuộc kháng chiến, cứu nước đến toàn thắng và làm trường học lớn, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước, phục vụ công cuộc kiến quốc, xây dựng CNXH tương lai”.

 

Bác Hồ nói chuyện với đại biểu TNXP dự Đại hội TNXP chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc tháng 1/1967. Nguồn: TTXVN
Bác Hồ nói chuyện với đại biểu TNXP dự Đại hội TNXP chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc tháng 1/1967. Nguồn: TTXVN



Kể từ đó, lớp lớp thanh niên xung phong (TNXP) theo tiếng gọi của đất nước đã cống hiến tuổi thanh xuân cho công cuộc kháng chiến và xây dựng nước non ngày càng giàu đẹp.

‘Đào núi và lấp biển-Quyết chí ắt làm nên’

Lịch sử ra đời và truyền thống anh hùng của lực lượng TNXP gắn liền với sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng, Chính phủ và Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam, trong đó có sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ - Người sáng lập, giáo dục, rèn luyện lực lượng TNXP.

Cách đây 70 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Nguyễn Chí Thanh (Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam) cùng đồng chí Nguyễn Lam (Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam) tổ chức thành lập Đội TNXP.

Ngày 15/7/1950, tại Núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đơn vị TNXP đầu tiên có 225 đội viên, do đồng chí Vương Bích Vượng làm Đội trưởng, chính thức được thành lập với mục đích được Bác Hồ chỉ rõ: “Để phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ cuộc kháng chiến, cứu nước đến toàn thắng và làm trường học lớn, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước, phục vụ công cuộc kiến quốc, xây dựng CNXH tương lai”.

Ngày 20/3/1951, đến thăm đơn vị TNXP ở cầu Na Cù, thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, Bác Hồ đọc 4 câu thơ nổi tiếng, tặng đơn vị: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.

Cuối năm 1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ thì đồng thời Bác Hồ yêu cầu phải củng cố và phát triển các đội TNXP chất lượng tốt hơn để bảo đảm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ và Trung ương Đảng, hàng vạn thanh niên các tỉnh khu 3, khu 4, Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 5, Nam Bộ nô nức lên đường gia nhập bộ đội, TNXP. Từ cuối năm 1950 đến giữa năm 1954, lực lượng TNXP đã phát triển tới hơn 25.000 đội viên.

TNXP được Bác Hồ và Bộ Tư lệnh tiền phương giao hai nhiệm vụ quan trọng: Bảo vệ khu vực các cơ quan đầu não của Trung ương (ATK) và xây dựng các tuyến đường huyết mạch của chiến trường. Những năm tháng ấy, TNXP phục vụ các chiến dịch: Biên giới, Trung du, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Riêng ở Điện Biên Phủ, đã có hơn 15.000 TNXP sát vai cùng bộ đội phục vụ chiến đấu hoặc trực tiếp đánh giặc tại chiến trường.

Chiến công của TNXP trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Nếu không có TNXP thì bộ đội sẽ gặp khó khăn. TNXP thực sự đem tinh thần xung phong của thanh niên trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc, góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc...”.

 

TNXP Ấp Bắc (Bến Tre) phục vụ chiến trường Đông Nam Bộ. Ảnh: Báo Ấp Bắc
TNXP Ấp Bắc (Bến Tre) phục vụ chiến trường Đông Nam Bộ. Ảnh: Báo Ấp Bắc


Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ - Giải phóng miền Nam                              

Năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân vào xâm lược miền Nam Việt Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Một lần nữa, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ chủ trương tổ chức lực lượng TNXP. Ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 71, quyết định tổ chức lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước.

Từ tháng 6/1965 đến tháng 4/1975, trong cao trào “Ba sẵn sàng” do Trung ương Đoàn phát động, đã có hơn 15 vạn nam, nữ thanh niên gia nhập các đội TNXP chống Mỹ, cứu nước. Họ có mặt ở các chiến trường gian khổ, ác liệt nhất, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu.

Trên mặt trận giao thông vận tải từ khu IV vào Trường Sơn, dưới mưa bom bão đạn, hàng vạn TNXP vẫn ngày đêm đào núi, phá đá, làm mới 2.000 km đường chiến lược; bảo đảm giao thông trên 120 con đường huyết mạch dài 4.000 km. Anh chị em ở các đội TNXP từng rà phá hơn 1.000 quả bom nổ chậm, trấn giữ 2.500 trọng điểm bảo đảm giao thông an toàn.

Trong những tháng năm chống Mỹ cứu nước, TNXP là đội quân chủ lực, đảm nhận mở các tuyến đường chiến lược; xây dựng các kho tàng cùng việc bốc xếp, chuyển hàng triệu tấn vũ khí, lương thực từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam.

Một số đơn vị TNXP còn trực tiếp chiến đấu, bắn rơi 15 máy bay Mỹ, bắt sống 13 giặc lái. Hơn 16.000 đội viên TNXP được tuyển chọn, bổ sung cho quân đội.

Cùng với lực lượng TNXP anh hùng ở miền Bắc thì ở miền Nam, Đảng và Mặt trận Dân tộc giải phóng quyết định giao cho Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam tổ chức TNXP Giải phóng miền Nam.

Trong cao trào “Năm xung phong” do Đoàn Thanh niên phát động với khẩu hiệu “Nơi đâu chiến trường cần, TNXP có mặt, nơi nào có giặc, TNXP xuất quân”, hàng vạn TNXP cùng các đơn vị quân giải phóng, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu ở các chiến trường Trị Thiên, Khu V, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và tham gia các chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Với truyền thống: “Phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công xuất sắc”, trong 6 năm, từ 1966-1971, hàng chục nghìn TNXP Giải phóng đã cùng quân giải phóng chiến đấu 641 trận, diệt và bắt sống hàng trăm tên địch; bắn cháy 20 xe tăng, xe bọc thép M113, bắn rơi 5 máy bay. TNXP Giải phóng đã vận chuyển hàng chục nghìn tấn hàng phục vụ chiến trường; chăm sóc điều trị 2.500 thương binh; xây dựng, bệnh viện dã chiến, bảo vệ hàng trăm kho tàng chứa vũ khí, quân trang, quân dụng...

Năm tháng qua đi, nhưng những chiến công hào hùng của lực lượng TNXP Giải phóng miền Nam vẫn sống mãi với non sông đất nước.

 

Từ năm 1976, TNXP Thành phố HCM luôn đi đầu trong xây dựng các vùng kinh tế mới. Nguồn: TTXVN Tiếp bước cha anh
Từ năm 1976, TNXP Thành phố HCM luôn đi đầu trong xây dựng các vùng kinh tế mới. Nguồn: TTXVN Tiếp bước cha anh


Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, thế hệ TNXP thứ nhất và thứ hai trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang.

Hàng chục vạn TNXP kháng chiến cứu nước, nay đã thành cựu TNXP cao tuổi, vẫn không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn, hăng hái sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khoa học, văn hóa, giáo dục; đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới đất nước.

Hội cựu TNXP đã phát động phong trào làm kinh tế giỏi vì nghĩa tình đồng đội trên cả nước, khai thác mọi tiềm năng, nguồn lực trong đội viên và ngoài xã hội để giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Năm tháng qua đi, phong trào thu được kết quả quan trọng, giúp hàng nghìn cựu TNXP thoát nghèo bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, ngày nay, TNXP luôn là lực lượng xung kích, vừa làm nhiệm vụ phát triển kinh tế vừa tích cực tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Thế hệ TNXP thứ ba, thứ tư tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ, xây dựng lại đất nước “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Hàng chục vạn đội viên của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam nỗ lực dọn sạch bom mìn, xây dựng những khu kinh tế mới xanh tươi, trù phú.

Nhiều địa phương đã thành lập các Tổng đội, nông trường, doanh nghiệp TNXP. Họ tình nguyện lên rừng, xuống biển, ra đảo xa, thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội như: Phủ xanh đất trồng đồi trọc, sử dụng mặt nước bãi bồi ven biển nuôi trồng thủy, hải sản; làm các công trình về nông, lâm, ngư nghiệp, thủy lợi, giao thông. TNXP còn đảm nhận các dự án dạy nghề, giới thiệu việc làm, vay vốn sản xuất, tham gia xây dựng Đường Hồ Chí Minh và các công trình lớn của đất nước…

Chính vì vậy, đất nước luôn ghi nhận cống hiến của TNXP và dù còn khó khăn, công sức của các anh, các chị được đáp đền xứng đáng. Anh chị em đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động”.

Đến nay, đã có ngót 8 vạn cựu đội viên TNXP được hưởng chế độ theo Quyết định của Chính phủ; 25 vạn cựu đội viên được công nhận và trao tặng Kỷ niệm chương TNXP.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như phong trào lập quỹ hỗ trợ, xây nhà tình nghĩa, trao sổ tiết kiệm cho cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng tượng đài TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Xuân Sơn (Quảng Bình), Tân Biên (Tây Ninh), Đại Từ (Thái nguyên), Ngã Ba Cò Nòi (Sơn La)… tôn vinh lớp TNXP anh hùng.

 

 Tượng đài tưởng nhớ 10 nữ TNXP hy sinh tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Tượng đài tưởng nhớ 10 nữ TNXP hy sinh tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Gương hy sinh anh dũng:

- 10 nữ TNXP tại ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh);

- 8 liệt sĩ (4 nam, 4 nữ) TNXP ở hang Tám Cô (Quảng Bình);

- 13 nữ TNXP tại Truông Bồn, Đô Lương, Nghệ An.

Danh hiệu cao quý:

- Huân chương Độc lập hạng Nhất, năm 1978;

- Huân chương Hồ Chí Minh, năm 1997;

- Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, năm 1997;

- 53 tập thể được tặng danh hiệu Anh hùng (36 tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 17 tập thể Anh hùng Lao động);

- Trên 100 cá nhân được tặng, truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động”.

Theo Chi Phan (chinhphu.vn)

Có thể bạn quan tâm