Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW: Không xem nhẹ phương diện đời thường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng ta thường chỉ chú trọng đánh giá con người dựa vào năng lực chuyên môn, vào khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đó là cơ sở rất quan trọng và điều đó không sai, nhưng chưa toàn diện và thấu đáo.

Theo kế hoạch, đến ngày 16-4, các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy Gia Lai hoàn thành sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trước đó, các tổ chức cơ sở Đảng cũng đã tiến hành sơ kết công tác này.

Chủ tịch UBND thị xã An Khê tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong học tập và làm Bác giai đoạn 2016-2020. Ảnh: Ngọc Minh
Chủ tịch UBND thị xã An Khê tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác giai đoạn 2016-2020. Ảnh: Ngọc Minh


Một trong những Đảng bộ tổ chức sơ kết sớm việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là Đảng bộ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh. Tại hội nghị sơ kết do Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức mới đây, các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện Chỉ thị số 05 có dịp trao đổi, chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm quý khi triển khai thực hiện, đem lại hiệu ứng tích cực đối với các đại biểu tham dự hội nghị. Cũng tại sự kiện này, 15 tập thể và 27 cá nhân được Đảng ủy Khối tặng giấy khen vì đã đạt thành tích xuất sắc.

Nhiều hình thức tổ chức sơ kết Chỉ thị số 05 của cấp ủy các cấp trong tỉnh cũng đã sáng tạo, linh hoạt tổ chức sơ kết phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương và bám sát hướng dẫn của Trung ương, đảm bảo mục đích, yêu cầu đề ra.

Dù với hình thức gì thì yêu cầu sơ kết phải đánh giá xác thực, đúng đắn kết quả thực hiện và vinh danh xứng đáng các tập thể, cá nhân điển hình, bên cạnh chỉ ra những tồn tại, hạn chế và xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Đặc biệt, hoạt động giao lưu phải thực sự phát huy giá trị, kết nối thuyết phục giữa điển hình tập thể, cá nhân với đại biểu tham dự hội nghị và lan tỏa sâu rộng trong tổ chức, xã hội.

Thật tiếc là tham dự một số hội nghị, trong phần giao lưu, cũng như báo cáo thành tích cá nhân, các điển hình chưa bộc lộ rõ con người mình bằng xương bằng thịt, nhân cách và tâm hồn cao đẹp của Bác tác động, dẫn dắt để rồi tự nâng mình lên và quyết tâm học tập, làm theo, đầu tiên là bằng những việc làm nhỏ, gần gũi, dễ thực hiện. Ở cấp cơ sở, phần đánh giá của một số cá nhân trong tổ chức cũng chưa làm rõ phương diện này.

Bác chúng ta anh hùng, vĩ đại nhưng cũng là con người bình thường, rất mực gần gũi, giản dị. Biết bao đức tính tốt đẹp của Người mà cả đời chúng ta không thể học tập hết. Như đức tính giản dị, tiết kiệm, yêu thương quần chúng lao động, chủ động tổ chức cuộc sống và công tác... Từ tác phong, lời nói, tình cảm, việc làm, cái gì ở Bác chúng ta cũng đều có thể chiêm nghiệm, đúc rút, học tập và làm theo rất tốt, rất có ích và giá trị cho bản thân.     

Sức thuyết phục và giàu tính thực tế khi học tập và làm theo Bác, vì vậy không chỉ biểu hiện ở con người trong tổ chức mà còn là con người đời thường. Nghĩa là cũng con người ấy, nhưng trong sinh hoạt đời thường, trong quan hệ, ứng xử với cộng đồng, người dân nơi cư trú, đặc biệt là trong quan hệ gia đình... thì như thế nào. Mà 2 phương diện trong con người này thì luôn gắn bó, có quan hệ biện chứng với nhau. Không thể có một công bộc tốt, một công dân tốt, một người cha/con/cháu đàng hoàng nếu ngay từ trong gia đình, anh chẳng ra gì!

Ở phương diện này, thoạt nghe có vẻ không quan trọng lắm. Lý do là vì chúng ta thường chỉ chú trọng đánh giá con người dựa vào năng lực chuyên môn, vào khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đó là cơ sở rất quan trọng và điều đó không sai, nhưng chưa toàn diện và thấu đáo.

Công bằng mà nói, đã có không ít trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tha hóa, biến chất, nhưng vẻ ngoài, vỏ bọc lại “lung linh”, “tròn vo”, “hoàn hảo”? Không ít trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở cơ quan, đơn vị đứng đắn, nghiêm nghị, nguyên tắc nhưng ra ngoài cơ quan, về nhà thì lại bê tha, hư hỏng, cục súc, thô bỉ... Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Việc đánh giá, nhận xét một cá nhân cũng phải toàn diện các mặt đời sống công-tư, trên phương diện con người quan hệ với công việc, xã hội và gia đình.

Kịp thời sơ kết, đánh giá, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị số 05 là rất quan trọng và cần thiết để di sản tinh thần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục in sâu, lan tỏa, định hình vững chắc trong toàn Đảng cũng như trong đời sống xã hội.

Nhưng ngoài ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, việc đánh giá cần chính xác, toàn diện, trong đó có việc xem xét thấu đáo phương diện sinh hoạt đời thường, đi đôi làm tốt công tác kiểm tra, giám sát. Có như vậy Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị mới được thực hiện và phát huy đầy đủ hiệu quả trong thực tế.
 

 THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm