Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Sôi nổi phong trào phụ nữ Gia Lai thi đua làm theo gương Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua 3 năm Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình với những cách làm sáng tạo, phù hợp. Những gương sáng này không ngừng được nhân rộng, tạo nên phong trào thi đua làm theo lời Bác trong các cấp Hội một cách sôi nổi, hiệu quả.
Lan tỏa những mô hình tiết kiệm
Những năm qua, trên cơ sở kế hoạch của Hội cấp trên, Hội LHPN xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) đã chủ động triển khai các hoạt động phù hợp hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế. Chỉ trong 3 năm gần đây, Hội đã tạo điều kiện cho 87 hội viên, phụ nữ vay vốn từ các nguồn khác nhau với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng, đồng thời hướng dẫn chị em cách sử dụng vốn vay hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Từ sự hỗ trợ sát sườn này, đã có 16 hội viên vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, trước tình trạng phụ nữ thường phải vay “tín dụng đen” với lãi suất cao dẫn đến nợ nần, mất nhà, mất đất, Hội đã vận động chị em tham gia mô hình tiết kiệm 5-10 triệu đồng. Trong 3 năm, đã có 6 tổ tiết kiệm được hình thành với hơn 100 thành viên tham gia, tiết kiệm được gần 220 triệu đồng. Theo chị Ploat-Chủ tịch Hội LHPN xã, mô hình này giúp chị em dần hình thành thói quen tiết kiệm, biết lo xa cho cuộc sống. Số tiền tiết kiệm được mỗi năm, các hộ dùng đầu tư sản xuất, mua vật dụng cần thiết trong gia đình, lo cho con ăn học.
 Hội LHPN TP. Pleiku trao bò giống cho hội viên nghèo để phát triển kinh tế. Ảnh: N.B
Hội LHPN TP. Pleiku trao bò giống cho hội viên nghèo để phát triển kinh tế. Ảnh: N.B
Hội LHPN TP. Pleiku là tập thể có nhiều cách làm sáng tạo, mô hình hay trong phong trào thi đua làm theo lời Bác. Trong đó, các mô hình thực hành tiết kiệm được triển khai rất thiết thực, hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân-Chủ tịch Hội LHPN thành phố-cho biết: Hội thường xuyên chỉ đạo các Hội trực thuộc duy trì và nâng cao chất lượng mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất” trong mỗi gia đình hội viên, giúp chị em hình thành thói quen tiết kiệm trong sinh hoạt hàng ngày để trước hết lo cho bản thân mình lúc khó khăn đột xuất, sau là giúp hội viên nghèo, khó khăn hơn ổn định cuộc sống. Trong 3 năm qua, việc thực hiện 2 mô hình này đạt được kết quả ngoài mong đợi với số tiền trên 120 triệu đồng và gần 4.000 kg gạo, trên 7.500 kg lúa. Trong đó, các cấp Hội đã chia sẻ hàng ngàn ký gạo và trích 65 triệu đồng hỗ trợ 179 phụ nữ nghèo, khó khăn.
Theo bà Vân, mô hình tiết kiệm 5.000 đồng/người/tháng được triển khai sâu rộng trong cán bộ, hội viên, phụ nữ và đã tiết kiệm được hơn 7,8 tỷ đồng cho 2.570 chị vay để phát triển kinh tế. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện tiết kiệm chi tiêu, xóa bỏ các tập tục lạc hậu và hình thành 5 câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” với 52 thành viên. “Để các mô hình hoạt động hiệu quả và không ngừng nhân rộng, hàng năm, Hội LHPN thành phố tổ chức tổng kết, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể điển hình nhằm tạo động lực cho các hội viên. Tập thể Hội LHPN thành phố 3 năm liền được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen về phong trào phụ nữ và công tác Hội”-bà Vân nói.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành phong trào đi vào cuộc sống một cách sinh động, được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh cụ thể hóa thông qua nhiều mô hình, cách làm sáng tạo. Từ đây đã xuất hiện nhiều cá nhân xuất sắc như chị Rơ Châm Hyeoh-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Phí (huyện Chư Pah); chị Nông Thị Biển-hội viên thôn Bắc Thái (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông); chị Nguyễn Thị Gái-Chủ tịch Hội LHPN xã Dun (huyện Chư Sê); chị Til-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn Bia Bre (xã Ia Pết, huyện Đak Đoa); chị Đinh Thị Em-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Jun (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ); chị Rơ Châm Hliên-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Từ thiện nhân đạo chi hội Phụ nữ làng Ó (xã Ia Sao, huyện Ia Grai); chị Đinh Thị Alích-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Châu (xã Chư Krey, huyện Kông Chro); chị Ksor HMuer-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn Kmek (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện)... Dù ở cương vị nào, các chị đều có những cách làm sáng tạo để thúc đẩy cuộc vận động học tập và làm theo Bác đi vào thực chất đời sống.
Có thể thấy rất rõ dấu ấn cá nhân trong việc xây dựng các mô hình hoạt động gắn liền với sự chỉ đạo của Trung ương Hội và Tỉnh ủy về công tác tập hợp hội viên, phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế như: mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” (biết mặt, biết hoàn cảnh, biết nhu cầu; hỗ trợ kiến thức, hỗ trợ sinh kế); mô hình “3 trong 1”; mô hình tổ liên kết/tổ hợp tác trồng, chăm sóc cây chanh dây quả tím (huyện Kông Chro), trồng, chăm sóc rau sạch (huyện Phú Thiện), trồng rau sạch, nuôi heo sạch (TP. Pleiku), tổ liên kết chăn nuôi dê (huyện Chư Pưh)…
Việc lựa chọn một hành động cụ thể làm theo Bác được cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện nghiêm túc, có nhiều đổi mới trong sinh hoạt, lối sống. Tiếp tục “gạn đục khơi trong”, lựa chọn những mô hình thực sự phù hợp, cách làm hay để nhân rộng là nhiệm vụ mà các cấp Hội đặt ra trong thời gian tới nhằm thực hiện hiệu quả phong trào thi đua làm theo lời Bác.
 NGUYÊN BÌNH

Có thể bạn quan tâm