Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Sôi nổi thi đua chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022-2027), các cấp Hội trong tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa.

Bồn rửa tay vui vẻ

Tại điểm Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông), trước khi vào lớp hay sau giờ ra chơi, học sinh ùa ra những chiếc bồn rửa tay làm từ lốp xe cũ có màu sắc bắt mắt để vệ sinh, sát khuẩn tay. Việc rửa tay của học sinh diễn ra tự giác kể từ khi có những “Bồn rửa tay vui vẻ”-sáng kiến của chị Mai Thị Mỹ Duyên-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Boòng hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt do Hội LHPN tỉnh phát động. Chị Duyên cho biết: “Việc rửa tay sát khuẩn luôn được ưu tiên nhắc nhở giúp mọi người phòng-chống dịch bệnh. Tuy nhiên, hội trường các thôn, làng, cơ sở trường học thì chưa được trang bị bồn rửa tay. Do đó, tôi nảy ra ý tưởng tận dụng lốp xe cũ làm thành bồn rửa tay sát khuẩn xinh xắn. Thiết kế bồn có khung sắt giữ cố định, chiều cao vừa tầm học sinh để các em có thể rửa tay một cách dễ dàng và thoải mái. Lốp xe sơn màu xanh hy vọng, vẽ trang trí hình ảnh dễ thương để thu hút các em”.

 “Bồn rửa tay vui vẻ” được đặt tại điểm Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông). Ảnh: Minh Châu
“Bồn rửa tay vui vẻ” được đặt tại điểm Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông). Ảnh: Minh Châu


Những chiếc “Bồn rửa tay vui vẻ” được đưa vào sử dụng từ tháng 12-2021 vừa có tác dụng vệ sinh giữ gìn sức khỏe, đồng thời là điểm nhấn trang trí như mục đích của người đã tạo ra chúng. “Do tận dụng lốp xe cũ sơn lại nên giá thành mỗi chiếc bồn rửa tay chỉ khoảng 500 ngàn đồng. Sau khi đưa vào sử dụng, không chỉ các em học sinh mà phụ huynh cũng rất thích thú với chiếc bồn rửa tay đặc biệt này. Từ đó, các chi hội đã nhân rộng mô hình này tại một số làng trên địa bàn xã. Việc hình thành thói quen rửa tay giúp nâng cao ý thức trong phòng-chống dịch của người dân, góp phần đẩy lùi dịch bệnh”-chị Duyên nói.

“Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo

Nếu “Bồn rửa tay vui vẻ” là sáng kiến của cá nhân thì nhiều công trình ý nghĩa, huy động sức mạnh tập thể cũng được hội viên hưởng ứng sôi nổi. 20 nhà “Mái ấm tình thương” được các cấp Hội thực hiện trong đợt thi đua đặc biệt từ tháng 10-2021 đến tháng 1-2022 là ví dụ. Những ngày đầu năm mới, 4 mẹ con chị Đinh Thị Moy (làng Lợt, xã Nghĩa An, huyện Kbang) có thêm niềm vui lớn khi được Hội LHPN huyện tặng nhà “Mái ấm tình thương” thay cho căn nhà cũ dột nát, lụp xụp. Chị Moy xúc động bày tỏ: “4 mẹ con đón Tết trong căn nhà mới nên niềm vui như nhân đôi. Mấy đứa con mình nhờ đó cũng có góc học tập riêng. Mình rất biết ơn và sẽ tham gia tích cực các hoạt động của Chi hội Phụ nữ làng Lợt; học hỏi kinh nghiệm, vay vốn phát triển sản xuất để thoát nghèo”.

Niềm vui trong căn nhà mới của mẹ conn chị Đinh Thị Moy (làng Lợt, xã Nghĩa An, huyện Kbang). Ảnh: Minh Châu
Mẹ con chị Đinh Thị Moy (làng Lợt, xã Nghĩa An, huyện Kbang) bên căn nhà mới. Ảnh: Minh Châu


Bà Phạm Thị Mỹ Nương-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Kbang-cho biết: Căn nhà tặng chị Moy có diện tích 45 m2 với tổng kinh phí xây dựng 60 triệu đồng do Hội LHPN huyện vận động các nguồn lực hỗ trợ. Ngoài ra, Hội vận động thêm ngày công của hội viên phụ nữ và vật liệu xây dựng. “Đợt thi đua đặc biệt phát động trong thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới tuy bận rộn nhưng chúng tôi quyết tâm thực hiện và bàn giao nhà “Mái ấm tình thương” ngay trước thềm năm mới như một món quà xuân ý nghĩa cho mẹ con chị Moy”-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Kbang thông tin.

Theo bà Rơ Chăm H'Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, trong đợt thi đua đặc biệt, nhiều tập thể đã có những công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa. Điển hình như Hội LHPN huyện Mang Yang trong thời gian ngắn đã huy động được trên 1,1 tỷ đồng thực hiện các công trình, phần việc hướng về phụ nữ dân tộc thiểu số; Hội LHPN TP. Pleiku huy động gần 900 triệu đồng hỗ trợ hội viên phụ nữ khó khăn vượt qua đại dịch… Bên cạnh đó, các cấp Hội thể hiện sự năng động, sáng tạo, có cách làm hay, phù hợp, mục tiêu cụ thể và có trọng điểm thiết thực hưởng ứng đợt thi đua.

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, trong đợt thi đua kéo dài 2 tháng, các cấp Hội đã nỗ lực vượt khó, đạt những thành tích đáng ghi nhận. Cụ thể, các cấp Hội đã tặng 20 nhà “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng; thành lập các mô hình tại các chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số, trong đó có những mô hình đặc thù như: “Đội cồng chiêng nữ”, “Dệt thổ cẩm truyền thống”, “Tổ phụ nữ thu gom phân bò”, “Nhà sạch vườn đẹp”... Cũng trong đợt thi đua, các cấp Hội đã xây dựng 25 “Kho thóc tình thương” tại các chi hội phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, thu được 42 tấn thóc với tổng trị giá trên 360 triệu đồng. Hội LHPN tỉnh đã tặng bằng khen cho 16 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua đặc biệt, đồng thời đề xuất Trung ương Hội LHPN Việt Nam khen thưởng 2 tập thể và 1 cá nhân.

 

 MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm