Thời sự - Bình luận

Tác phẩm to liệu có mang ý nghĩa lớn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dự án Bức phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ và nguồn cội sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” của tỉnh Bình Định vừa được công bố, lấy ý kiến nhân dân, “Màn Đại xòe Việt Nam” trong Lễ hội Mường Lò tổ chức vào ngày 20.9 là 2 “tác phẩm” nhận nhiều ý kiến trái chiều của công luận. Lý do là nằm ở nỗi ám ảnh sự khuếch trương quá đà, tốn kém nhưng hiệu quả lại không như mong muốn của rất nhiều công trình, sự kiện…

 

Yên Bái đã ngừng đăng ký kỷ lục Guiness khi màn đại xoè gặp phản ứng của dư luận. Ảnh: T. L
Yên Bái đã ngừng đăng ký kỷ lục Guiness khi màn đại xoè gặp phản ứng của dư luận. Ảnh: T. L



Hội chứng “siêu to khổng lồ”, “siêu khủng”

Theo UBND tỉnh Bình Định, ý tưởng tạc phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ vào các vách núi đã được khởi động từ 2 năm trước, khi tỉnh tổ chức cuộc thi sáng tác phù điêu để chọn tác phẩm. Tháng 6.2019, tỉnh đã giao TP.Quy Nhơn chủ trì việc tháo dỡ, di dời các pano quảng cáo, cây xanh và điện chiếu sáng... để có mặt bằng ngầm hóa đường điện cho việc xây dựng công trình. Phương án thiết kế là cắt sâu vào núi 20 - 25m, tạo thành mặt phẳng đứng để tạc phù điêu trực tiếp vào vách núi Bà Hỏa, cửa ngõ Quy Nhơn. Phần mặt phẳng nằm tạo thành sân quảng trường để làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Tổng chiều dài phù điêu là 81,5m, vị trí cao nhất 35m; hệ thống sân vườn, cảnh quan kiến trúc phụ trợ 3.000m2. Kinh phí dự toán là 86 tỉ đồng (hơn 34 tỉ ngân sách và huy động nguồn xã hội hóa 52 tỉ đồng).

Tuy chưa có ý xác lập kỷ lục nhưng đây có lẽ là sẽ là bức phù điêu lớn nhất nước được tạc vào đá nhằm gây ấn tượng cho du khách đến với Bình Định.

Còn màn Đại Xòe của hơn 5 nghìn nghệ nhân, quần chúng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên từng tham vọng lúc đầu là ghi danh vào Guinness thế giới với số lượng người tham dự đông nhất.

Vẻ như, ngay từ đầu, những dự án này đều mong muốn tạo dấu ấn bằng sự “siêu to, siêu khủng” về mặt nào đó, thay vì nội dung, ý nghĩa mang lại.

Nhiều năm qua, ý tưởng tạo ra những tác phẩm “khủng” tuồng như ngày càng ăn sâu vào những người tổ chức sự kiện ở Việt Nam. Đầu tiên là bánh chưng, bánh dày, tiếp đó là ly cà phê, bánh tét, bánh ga tô, bánh kem, bánh nướng, bánh dẻo, ly hủ tiếu, đòn bánh phồng tôm, bánh xèo… và thậm chí cả “gỏi tôm siêu to khổng lồ”. Chiếc bánh nào cũng ngốn hết hàng trăm kg, hàng tấn nguyên liệu trị giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ, hàng chục tỉ đồng… Và giờ là những bức phù điêu, những màn biểu diễn.

Thế nhưng tiếc thay, ý nghĩa của nhiều “tác phẩm” không tỉ lệ thuận với “cái xác” của nó...

Và những băn khoăn

Bình Định nổi tiếng bởi là quê hương của 3 anh em anh hùng áo vải, là đất võ, đất của nghệ thuật tuồng… Vậy tại sao không chọn một trong những đặc trưng gắn với lịch sử, văn hóa và con người để tạo nên biểu trưng của một vùng đất đầy truyền thống này?

Đó là băn khoăn của nhiều người, khi biết đến dự án phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ được lựa chọn để làm biểu trưng cũng như tạo ấn tượng cho Quy Nhơn. Bên cạnh đó, bức phù điêu này được tạc trên một ngọn núi, lại nằm ở nút giao thông khá lớn ở ngay cửa ngõ thành phố khiến cho nhiều chuyên gia lo ngại về mặt địa chất cũng như sẽ gây mất an toàn giao thông.

Trả lời báo chí, ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định cho biết, dự án tạc tượng vẫn đang nằm trong kế hoạch chứ chưa triển khai vì còn phải lấy ý kiến của nhân dân. Thế nhưng trên thực tế, việc chuẩn bị mặt bằng đã được UBND tỉnh giao cho TP thực hiện từ tháng 6.2019. Cũng theo UBND tỉnh Bình Định, dự án phù điêu này đã nhận được sự thống nhất của Bộ VHTTDL.

Trong khi đó, trước khi diễn ra Màn đại Xoè tại Yên Bái, Bộ VHTTDL cũng buộc phải lên tiếng khi dư luận nổ ra cuộc tranh cãi nên hay không nên đăng ký kỷ lục Guiness.

Tháng 3.2019, Việt Nam đã đệ trình hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái để đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ đã được cộng đồng chủ thể của di sản, chính quyền địa phương các cấp có di sản ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Yên Bái đồng thuận trình và cam kết bảo vệ. Theo đó, Bộ VHTTDL cũng nhấn mạnh, việc tổ chức để xác lập kỷ lục với các thành tố di sản nói riêng và di sản nói chung cần hết sức thận trọng vì có thể vi phạm các khuyến cáo của UNESCO. Vì vậy, Bộ VHTTDL đề nghị tỉnh Yên Bái cân nhắc việc tổ chức “Màn đại Xòe Việt Nam lớn nhất thế giới” để đăng ký xác lập kỷ lục Guinness và các hoạt động liên quan. Sau khi có văn bản của Bộ VHTTDL, tỉnh Yên Bái đã dừng việc đăng ký xác lập kỷ lục nhưng hoạt động biểu diễn vẫn diễn ra bình thường.

Không chỉ tránh tạo sự lãng phí to lớn trong xã hội, các “tác phẩm” hay sự kiện, dự án “siêu to, siêu khủng” cũng cần tránh những ấn tượng không mấy tốt đẹp về cái gọi là kỷ lục ở Việt Nam.

CHÂU ANH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm