Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Tấm gương người chiến sĩ cộng sản trung kiên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với 40 năm tuổi đời, gần 20 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, đồng chí Lê Hồng Phong thuộc lớp chiến sĩ cách mạng tiền bối, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, chiến sĩ cách mạng kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Là Tổng Bí thư thứ hai của Đảng, những đóng góp to lớn, sự hy sinh cao cả, đạo đức trong sáng của đồng chí sống mãi trong lòng Nhân dân, mãi mãi xứng đáng là tấm gương sáng của người cộng sản kiên cường. Để ghi nhớ công lao to lớn của cố Tổng Bí thư, Gia Lai có một số tổ chức, công trình mang tên Lê Hồng Phong.  

Hy sinh cho sự nghiệp cách mạng

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh ngày 6-9-1902 trong gia đình nông dân ở làng Đông Thôn, xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An)-vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, Nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, đồng chí Lê Hồng Phong đã sớm có tinh thần yêu nước, thương dân sâu sắc, lòng căm thù giặc và ý chí quyết tâm cứu dân, cứu nước.

Đầu những năm 1920, theo tiếng gọi của các nhà yêu nước, Lê Hồng Phong hăng hái tham gia phong trào giải phóng dân tộc. Lúc bấy giờ ở trong nước, chế độ thực dân, phong kiến đàn áp tàn khốc, nhiều nhà cách mạng và thanh niên yêu nước trong đó có Lê Hồng Phong tìm cách ra nước ngoài. Cuối năm 1923, đồng chí Lê Hồng Phong cùng người bạn thân là đồng chí Phạm Hồng Thái bí mật sang Xiêm (Thái Lan) gặp các nhà yêu nước Việt Nam. Năm 1924, đồng chí và một số thanh niên yêu nước khác sang Quảng Châu (Trung Quốc), sau đó tham gia vào Tâm Tâm xã-một tổ chức yêu nước của những thanh niên yêu nước Việt Nam ở Trung Quốc có khuynh hướng hoạt động tích cực và có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thanh niên nước ta lúc ấy.

Trường THPT Lê Hồng Phong tặng giấy khen cho thầy cô giáo và học sinh có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua
Trường THPT Lê Hồng Phong tặng giấy khen cho thầy-cô giáo và học sinh có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua "Dạy tốt-Học tốt". Ảnh: Thanh Nhật


Cuối năm 1924, đồng chí may mắn gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người giác ngộ cách mạng theo chủ nghĩa Mác-Lê-nin, lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo thành lớp cán bộ đầu tiên của cách mạng nước ta. Năm 1925, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập và đã được Người đào tạo để trở thành một trong những hạt giống đỏ của cách mạng Việt Nam.

Sau cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh (1930-1931), do sự khủng bố dã man và tàn bạo của thực dân Pháp, cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn và tổn thất nặng nề. Trước tình hình đó, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong về nước để lãnh đạo việc khôi phục, phát triển tổ chức Đảng, đưa cách mạng Đông Dương vượt qua giai đoạn khó khăn, hiểm nghèo.

Cuối năm 1932, đồng chí về nước và bắt tay khôi phục lại tổ chức Đảng trong cả nước, khôi phục các cơ sở cách mạng và khơi dậy niềm tin của quần chúng đối với Đảng, với cách mạng. Tháng 3-1934, dưới sự chủ trì của đồng chí, Hội nghị thành lập Ban Chỉ huy ở nước ngoài của Đảng được tiến hành và chuẩn bị các điều kiện cho việc triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng. Cuối năm 1934, đồng chí dẫn đầu Đoàn đại biểu của Đảng ta đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản họp tại Mát xcơ va (Liên Xô). Tại Đại hội này, Đảng ta được công nhận là Chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ I của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Tháng 7-1936 tại Thượng Hải, đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương bổ sung Nghị quyết Đại hội lần thứ I, chỉ đạo chuyển hướng tổ chức và sách lược của Đảng, chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế rộng rãi, chuẩn bị về mọi mặt để đưa phong trào cách mạng chuyển sang cao trào dân chủ.

Tháng 11-1937, đồng chí Lê Hồng Phong về Sài Gòn, cùng Trung ương tích cực chỉ đạo thực hiện chủ trương chiến lược mới của Đảng. Không may, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Chợ Lớn và kết án 6 tháng tù giam, sau đó tháng 12-1939 chúng đưa đồng chí về quản thúc tại quê nhà ở Nghệ An. Đầu năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, giam tại khám Lớn, Sài Gòn. Cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Biết Lê Hồng Phong là nhân vật quan trọng của Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách tra tấn, hành hạ rất dã man. Đồng chí nêu cao chí khí cách mạng, không khai báo báo, đồng thời tích cực vận động anh em tù nhân đấu tranh chống địch đánh đập, chống lại những luật lệ hà khắc của nhà tù.

Sức khỏe suy kiệt dần vì bị tra tấn và bệnh tật, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6-9-1942. Trước lúc ra đi, đồng chí đã nhắn lại “Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.

Phát huy truyền thống

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong năm nay, gặp gỡ trò chuyện với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Nhương hiện cư trú tại TP. Pleiku, ông cho biết: “Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với một giai đoạn đầy thử thách và cam go của cách mạng Việt Nam trong những năm 20 và 30 của thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của đồng chí Lê Hồng Phong là một tấm gương cao đẹp về đạo đức cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc, qua đó nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để xứng đáng với niềm tin mà đồng chí ký thác, trao gửi...”.  

Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong Võ Tiến Tùng (phải) trao quyết định kết nạp đảng viên cho Đoàn viên thanh niên ưu tú là học sinh vinh của Trường. Ảnh: Thanh Nhật
Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong Võ Tiến Tùng (phải) trao quyết định kết nạp đảng viên cho đoàn viên ưu tú là học sinh của trường. Ảnh: Thanh Nhật



Tên tuổi và sự nghiệp vẻ vang của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đã được ghi tạc bằng nhiều hình thức, công trình tưởng niệm. Tại TP. Pleiku có con đường Lê Hồng Phong (nối đường Lý Thái Tổ với Hoàng Văn Thụ và một số con đường khác). Ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP. Pleiku-cho biết: Đường Lê Hồng Phong được đặt tên theo Quyết định số 267/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 5-4-1994, với chiều dài hơn 500 m. Đây là một con đường ở trung tâm thành phố, rộng rãi và rất đẹp. Hiện con đường này thuộc địa bàn tổ 3, phường Diên Hồng.

Trên đường Lê Hồng Phong có đông dân cư sinh sống và một số cơ quan của Đảng, Nhà nước. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Chi ủy Chi bộ tổ 3, Nhân dân trong tổ và dọc đường Lê Hồng Phong đã tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở khu dân cư, các phong trào thi đua yêu nước.

Ông Lê Hoài Ân-Bí thư Chi bộ tổ 3-chia sẻ: “Trong 2 năm 2020 và 2021, ngành chức năng triển khai thi công cải tạo vỉa hè, mương thoát nước đường Lê Hồng Phong và đường Trần Quang Khải. Trong đó, riêng kinh phí xây lắp vỉa hè và mương thoát nước đường Lê Hồng Phong trên 7 tỷ đồng, ngoài Nhà nước đầu tư hơn 6,8 tỷ đồng, kinh phí người dân đóng góp là 275 triệu đồng”.

Cũng theo ông Ân, trong quý II năm nay, thực hiện chủ trương của Đảng ủy, UBND phường về thí điểm vận động, lắp đặt thùng rác văn minh đô thị, cán bộ quân dân chính Tổ dân phố phối hợp với các ban, ngành của phường vận động các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đóng góp được 46 triệu đồng. Tổ dân phố vận động các hộ dân trên tuyến đường Lê Hồng Phong đóng góp gần 29 triệu đồng đầu tư lắp đặt 17 thùng rác và 15 pa-nô tuyên truyền. Người dân thực hiện việc phân loại rác tại nhà, bỏ rác đúng thùng rác hữu cơ và rác vô cơ, bỏ rác đúng giờ, không vứt rác bừa bãi, thực hiện các nội dung trong bản cam kết bảo vệ môi trường. Là một trong 3 tuyến đường kiểu mẫu của phường nên tổ kết hợp với các hội, đoàn thể tham gia trồng hoa tạo thêm nét đẹp đường phố, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong về bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị, góp phần đem lại hình ảnh xanh-sạch-đẹp và văn minh, xây dựng thành phố ngày càng phát triển.

Cũng vinh dự mang tên nhà cách mạng tiền bối là Trường THPT Lê Hồng Phong đứng chân tại xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. Năm học 2022-2023, trường có 41 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 18 đảng viên. Tổng số học sinh toàn trường là 810 em, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 29,35%.

Thầy Võ Tiến Tùng-Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Trường chúng tôi rất vinh dự khi mang tên cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Chúng tôi luôn quán triệt cán bộ, giáo viên, học sinh toàn trường phát huy gương sáng cố Tổng Bí thư, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chất lượng giảng dạy của giáo viên được nâng lên; phong trào thi đua dạy tốt-học tốt, triển khai chuyên đề dạy giáo án điện tử, thao giảng dự giờ, thi giáo viên dạy giỏi... giúp các thầy-cô giáo nâng cao trình độ chuyên môn. Năm học vừa qua trường có 2 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh, có 9 đề tài được công nhận cấp tỉnh. Công đoàn trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen... Năm học này là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông đối với lớp 10. Nhà trường đã và đang chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện. Năm nay, trường phấn đấu có học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh có giải, tỷ lệ tốt nghiệp lớp 12 ngang bằng với mặt bằng chung của tỉnh...”.

Diện mạo khởi sắc của đường Lê Hồng Phong TP. Pleiku. Ảnh: Thanh Nhật
Diện mạo khởi sắc của đường Lê Hồng Phong, TP. Pleiku. Ảnh: Thanh Nhật


Noi gương Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, đoàn viên thanh niên của trường luôn đi đầu thực hiện nhiệm vụ. Đoàn trường có 16 chi đoàn, hơn 470 đoàn viên. Thầy Trần Tiễn Trung-Bí thư Đoàn trường-chia sẻ: “Đoàn trường luôn quan tâm triển khai các nghị quyết của Đảng, của Đoàn và các bài học lý luận cho đoàn viên, thanh niên. Phối hợp với các bộ phận trong trường tổ chức “Tuần lễ sinh hoạt công dân đầu năm”, tuyên truyền về thân thế sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng thông qua các buổi chào cờ đầu tuần, tuần sinh hoạt công dân đầu năm học và thông qua trang Fanpage của trường; tổ chức thi kể chuyện đạo đức Hồ Chí Minh, gương người tốt việc tốt... Tất cả nhằm phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất trong công tác dạy và học, xứng đáng với kỳ vọng mà sinh thời đồng chí Lê Hồng Phong hằng ấp ủ. Gần đây, trường có 5 đoàn viên ưu tú là học sinh vinh dự được kết nạp vào Đảng”.

Thầy Trung thông tin thêm: Các chi đoàn tham gia tích cực cuộc thi “An toàn giao thông vì nụ cười ngày mai”, “Đại sứ văn hóa đọc”, diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp-nói không với bạo lực học đường”. Thông qua các buổi ngoại khóa, từng chi đoàn đưa ra các tình huống để đoàn viên, thanh niên giải đáp, bày tỏ ý kiến và đúc kết những bài học cần thiết cho bản thân. Năm học vừa qua, trường có 2 đoàn viên thanh niên tham gia thi nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 1 đoàn viên tham gia và đạt giải tại cuộc thi tin học trẻ cấp tỉnh.

 

THANH NHẬT

 

Có thể bạn quan tâm