Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Tấm gương trung kiên và đạo đức cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam. Quá trình 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, gần 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng, hy sinh khi mới 29 tuổi đời, đồng chí luôn thể hiện tấm gương kiên trung và đạo đức cách mạng sáng ngời. Những cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đối với Đảng và dân tộc ta rất to lớn.
 

Trọn đời cho sự nghiệp cách mạng

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn (nay là TP. Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Khi đang là học sinh bậc trung học, đồng chí đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, nhận ra bản chất của kẻ thù và dám đứng lên đấu tranh chống lại áp bức bất công. Tại quê hương Bắc Ninh, đồng chí đã gây dựng phong trào cách mạng, tuyên truyền và đưa hoạt động của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội phát triển rộng khắp.

Năm 1929, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, được Đảng phân công làm cán bộ hoạt động chuyên nghiệp. Đồng chí đã xung phong đi “vô sản hóa” ở vùng mỏ Quảng Ninh với nhiệm vụ giác ngộ và vận động công nhân tham gia cách mạng. Chỉ sau 2 năm, đồng chí đã trở thành một lãnh đạo chủ chốt của phong trào công nhân vùng mỏ. Đồng chí luôn gương mẫu trong cuộc sống và gần gũi với quần chúng. Dưới sự dẫn dắt của đồng chí, hàng loạt cuộc đình công, bãi khóa yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập của thợ mỏ vùng Đông Bắc diễn ra mạnh mẽ. Nhiều lần bị địch bắt giam, được tôi luyện trong nhà tù Hỏa Lò, Côn Đảo, đồng chí đã cùng với các chiến sĩ cộng sản biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Tháng 3-1938, tại Hội nghị Trung ương họp tại xã Tân Thới Nhất (huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định), đồng chí được cử giữ trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 26 tuổi.

Đoàn viên, thanh niên chụp ảnh lưu niệm tại Khu tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ở TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Tỉnh Đoàn Bắc Ninh
Đoàn viên, thanh niên chụp ảnh lưu niệm tại Khu tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ở TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Tỉnh Đoàn Bắc Ninh


Giai đoạn 1936-1939 là thời kỳ thế giới có những biến động lớn. Chủ nghĩa phát xít ngông cuồng ra sức chuẩn bị chiến tranh thế giới mới. Để tuyên truyền, vận động cách mạng, tập hợp lực lượng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương”. Đây là cơ sở lý luận chính trị quan trọng, trình bày những quan điểm cơ bản của Đảng về vấn đề tự do, dân chủ, khẳng định bản chất tốt đẹp của tự do, dân chủ xã hội chủ nghĩa. Muốn được hưởng tự do, dân chủ thì phải đoàn kết đấu tranh dưới ngọn cờ cách mạng chân chính của Đảng Cộng sản.

Tháng 7-1939, đồng chí cho ra đời tác phẩm nổi tiếng “Tự chỉ trích” để đấu tranh phê bình trong Đảng. Đây là một đóng góp quan trọng về lý luận vào công tác xây dựng Đảng cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Trong tác phẩm này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chỉ rõ: Mục đích của tự phê bình và phê bình trong Đảng là để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi. “Tự chỉ trích” là một hình thức sinh hoạt dân chủ trong Đảng, gắn liền với nguyên tắc của Đảng, nêu cao vũ khí tự phê bình và phê bình, chống lại chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội.

Hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, tháng 11-1939, thực dân Pháp tăng cường khủng bố cách mạng nước ta. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Hội nghị đã phân tích thấu đáo tính chất cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, vị trí của Đông Dương trong cuộc chiến tranh, những chính sách của đế quốc Pháp, thái độ của các giai cấp, tầng lớp xã hội, từ đó vạch ra đường lối chính trị của cách mạng trong tình hình mới. Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Phương pháp cách mạng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của thực dân và tay sai, từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tiến tới khởi nghĩa vũ trang…

Sau khi bị địch bắt, sáng 28-8-1941, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng đã bị kẻ thù xử bắn tại ngã ba Giồng, xã Tân Thới Nhất, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Với 13 năm hoạt động cách mạng, nhiều lần bị thực dân Pháp bắt, giam cầm, tra tấn rất dã man, tàn bạo nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ luôn nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất.

Tên tuổi sống mãi cùng năm tháng

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, P.V đã gặp gỡ trò chuyện với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Nhương, hiện trú tại tổ 8, phường Diên Hồng, TP. Pleiku. Ông Nhương bộc bạch: “Tấm gương của đồng chí Nguyễn Văn Cừ mãi mãi là niềm tự hào của Đảng. Đồng chí là một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người có tầm nhìn chiến lược, một tấm gương cao đẹp về đạo đức cách mạng. Giai đoạn 1938-1940, đồng chí đã có những chỉ đạo thay đổi chiến lược, tạo ra bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam. Riêng tác phẩm “Tự chỉ trích” của đồng chí là tài liệu quý để giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, bảo vệ khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh”.

Ở phường Yên Thế (TP. Pleiku) có 1 ngôi trường mang tên cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Năm học 2021-2022, bên cạnh thành tích giáo dục, công tác phong trào cũng được nhà trường chú trọng. Trường đã giành nhiều thành tích tại hội thi “Kể chuyện Bác Hồ” khối THCS, liên hoan ca khúc tuyên truyền măng non, hội thi “Nghi thức đội” khối THCS. Đặc biệt, liên tục trong 8 năm, Liên Đội Trường THCS Nguyễn Văn Cừ luôn đạt danh hiệu vững mạnh, được Thành Đoàn và Tỉnh Đoàn khen thưởng.

Cô Đinh Thị Hiền-Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Văn Cừ-cho hay: “Hàng năm, Liên Đội luôn duy trì hoạt động tuyên truyền cho đội viên về tiểu sử cố Tổng Bí thư thông qua tuần sinh hoạt tập thể đầu năm học; kết hợp với Tổ Sử-Địa tổ chức các hoạt động ngoại khóa như “Em yêu lịch sử Việt Nam”, lồng ghép tìm hiểu về cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, thu hút 100% đội viên tham gia. Liên Đội còn chú trong các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, đến với địa chỉ đỏ, phong trào “Đôi bạn cùng tiến”, “Giúp bạn đến trường-hướng tới tương lai”, phát huy tinh thần tương thân tương ái giúp nhau học tập, rèn luyện… Qua đó, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày một nâng cao; số lượng học sinh giỏi các cấp tăng lên hàng năm”.

Tại TP. Pleiku còn có con đường Nguyễn Văn Cừ thuộc địa bàn 2 phường Diên Hồng và Ia Kring. Ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku-cho biết: “Đường Nguyễn Văn Cừ được đặt tên từ năm 2002, chiều dài hơn 1.500 m. Đường được thành phố đầu tư nâng cấp mở rộng năm 2013. Mới đây, đường Nguyễn Văn Cừ đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh nâng cấp, cải tạo. Trên con đường này, nhiều công trình, dự án đã và đang được triển khai, góp phần tạo cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại”.

 

 THANH NHẬT

 

Có thể bạn quan tâm