Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Tản mạn lúc buông diều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi đi ngang qua khoảnh đất trống khá rộng trong thành phố vào những buổi chiều muộn, tôi thường thấy một vài phụ huynh dắt con ra thả diều. Những cánh diều đủ màu sắc chao liệng giữa trời chiều thường khiến tôi chậm lại.

Chơi diều là thú vui không chỉ dành riêng cho con trẻ, nó có sức mê hoặc cả với người lớn. Còn nhớ lúc nhỏ, tôi được tham gia làm những con diều đầu tiên là cùng với rất nhiều người lớn trong làng. Những người lớn tuổi nhất phụ trách chính, rồi phân công công việc cho từng người. Thanh niên trai tráng thì đi tìm tre, phải là những cây tre đực già, vừa có độ cứng chắc, nhưng lại phải vừa có độ dẻo dai nhất định để tạo ra bộ khung diều. Tre chặt xong được ngâm dưới bùn ao, rồi để trên gác bếp một thời gian, sau đó mới chẻ ra từng thanh để vót. Vót khung diều là việc của những người nhiều kinh nghiệm, sau đó, những thanh tre được chuốt cho thật bóng, rồi dùng dây kẽm cố định lại bộ khung cho chắc chắn. Đám trẻ con chúng tôi lúc ấy chỉ được tham gia phết hồ dán lên giấy theo sự hướng dẫn của người lớn.

Có lẽ kỳ công nhất trong quá trình hoàn tất một con diều là công đoạn làm sáo diều. Từ chọn tre làm sáo, đến sấy uốn tạo hình, lấy thanh sắt nhọn hơ lửa thật nóng để dùi các lỗ trên ống sáo, thử âm thanh… tất cả đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Con diều làm chung ấy thường rất lớn và được đem thả trên cánh đồng làng. Mùa hè, tiếng sáo diều vi vút vọng suốt dọc tuổi thơ của chúng tôi.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Chúng tôi cũng thường tự làm lấy những con diều nho nhỏ để mang theo trong những buổi chăn trâu cắt cỏ. Thời ấy, thứ gì cũng phải chắt chiu. Giấy vở học xong cất thật kỹ, hết năm học đem ra ngồi tỉ mẩn tách làm đôi, sao cho tờ giấy thật mỏng mà không bị rách, khi dán lên cánh diều sẽ nhẹ, bay được cao hơn. Đứa nào khéo tay thì chấm thêm cho diều đôi mắt, phác thêm đôi cánh hoặc dán thêm mấy cái đuôi nheo…

Những buổi chiều ngồi trên triền đê mượt cỏ, nhìn cánh diều múa lượn trên nền trời trong xanh, gió từ biển thổi vào mang theo biết bao ước mơ của chúng tôi bay lên cùng những cánh diều khi ấy. Tôi nhớ nhiều chuyện lắm, nhưng có lẽ, nhớ nhất là những lần chúng tôi thút thít khóc mãi vì con diều "quý như vàng" của mình đứt dây bay đi mất. Nếu phải ví một nỗi tiếc nuối thật lớn lao trong cuộc đời này với một điều gì đó thì với tôi, đó chính là cảm giác hẫng hụt, khi trong tay mình vẫn cầm sợi dây, nhưng không có cách nào để tìm lại con diều, giữa mênh mông đồng ruộng và bao la đất trời.

Người ta coi chơi diều là một thú vui. Khi cánh diều bén gió và rướn mình lên trời cao, dường như nó mang theo rất nhiều điều. Có khi, đó là những ước mơ ngô nghê của trẻ nhỏ, đôi lúc có thể lại là tâm trạng đang rối bời của những người lớn. Thả diều không phải là trò chơi vội, phải có thời gian và không gian, đủ để con diều có thể chao liệng theo cánh gió trên một khoảng trời riêng của nó. Người chơi diều cần kiên trì, nhẫn nại, cả sự tập trung và khéo léo vừa đủ để điều khiển diều bay lên cao mà không vuột mất khỏi tầm tay.

Bây giờ, không còn phải kỳ cụi ngồi chẻ tre rồi cắt dán để làm diều nữa. Chỉ mất vài phút ghé một cửa hàng tạp hóa là có thể chọn cho mình một con diều tùy theo nhu cầu. Những con diều với đủ hình dáng, kích cỡ, màu sắc, đáp ứng thị hiếu đa dạng của mỗi người. Nhưng thú thật là tôi vẫn thích những con diều được làm thủ công, có lẽ phần nhiều bởi sự độc nhất ở mỗi chiếc, không phải là hàng loạt giống nhau. Thỉnh thoảng đưa con đi thả diều, tôi dạy con cách buông diều, cách thả dây, cách điều khiển ra sao để diều không bị rơi xuống... Thỉnh thoảng, tôi lại kể với con về ngày xưa, như là một cách chia vợi đi những thương nhớ luôn ứ đầy trong lòng mình và tôi cùng con tham gia vào trò chơi thật sự.

Những lúc nhìn cánh diều rướn mình vào bầu trời, giữa những dải mây trắng xốp, tôi thấy mình như cũng được nhấc bổng lên. Đời người, có lẽ hạnh phúc nhất là được tự do chao liệng trên khoảng trời của riêng mình, song lại luôn có một sợi dây níu giữ mình khỏi những vùng không an toàn khác. Những níu giữ ấy sẽ khiến ta sống có trách nhiệm, ý thức được những giới hạn vừa đủ, để cảm thấy an vui.

Cũng có đôi khi, tôi rất nhớ cảm giác hẫng hụt, tiếc đến rỗng người khi cánh diều bứt khỏi sợi dây, bay mất hút vào một khoảng không nào đó. Nhưng nhớ như vậy cũng là để nhắc mình biết thương quý hơn những gì mình đang nắm giữ trong tay.

Có thể bạn quan tâm