Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Tết trồng cây Xuân Tân Sửu: Việc làm nhỏ nhân lên nhiều cánh rừng lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo kế hoạch, khoảng 1 tỷ cây xanh sẽ được trồng mới trong giai đoạn 2021 - 2025; riêng trong năm 2021, cả nước sẽ trồng khoảng 182 triệu cây xanh; trong đó, cây xanh phân tán khoảng 120 triệu cây...

Con đường Hoàng Diệu, một trong những con đường đẹp nhất Thủ đô với hàng cây xà cừ cổ kính. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Con đường Hoàng Diệu, một trong những con đường đẹp nhất Thủ đô với hàng cây xà cừ cổ kính. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)


Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ đã trở thành phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khởi đầu cho các hành động bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ “vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, trong suốt hơn 60 năm qua, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương và nhân dân cả nước lại tích cực trồng cây gây rừng, qua đó “làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.

Tiếp tục lan tỏa truyền thống tốt đẹp trên, nhất là trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, hạn, mặn gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản nhân dân, ngày 31/12/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.

Theo đó, Chỉ thị yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng ngay dịp Tết Tân Sửu năm 2021; cả nước chung sức, đồng lòng góp sức hướng tới mục tiêu trồng mới 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025. Riêng năm 2021, theo kế hoạch cả nước sẽ trồng khoảng 182 triệu cây xanh; trong đó, cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020.

Sau hơn tháng phát động, Chỉ thị bước đầu đã đạt tính lan tỏa khi nhiều địa phương đã hưởng ứng tổ chức trồng cây gây rừng; Thủ tướng Chính phủ đã có thư khen tỉnh Bến Tre là địa phương đầu tiên hưởng ứng sáng kiến tham gia trồng 1 tỷ cây xanh bằng nguồn xã hội hóa; Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời hưởng ứng lời kêu gọi thông qua hoạt động trồng mới hơn 11.000 cây xanh tại tỉnh Quảng Nam; Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp thực hiện các chương trình trồng cây xanh trên khắp mọi miền đất nước,...

Trong ngày 17/2 (mùng 6 Tết), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội cũng đã đến dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, thành phố Hà Nội. (Ảnh : Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, thành phố Hà Nội. (Ảnh : Trí Dũng/TTXVN)


Hiện nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang tích cực xây dựng kế hoạch trồng cây xanh ngay vào những ngày đầu của năm mới Xuân Tân Sửu 2021. Cùng với “Tết trồng cây,” Tổng cục Môi trường cũng đang xây dựng và sớm triển khai thực hiện đề án 1 tỷ cây xanh với mục tiêu cao nhất đảm bảo về tính môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, hướng đến phát triển bền vững...

Qua sự tham gia hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây,” trồng cây gây rừng nêu trên, có thể thấy rừng có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và đang trở thành vấn đề thời sự, luôn nhận được sự quan tâm của toàn thế giới. Không có một dân tộc, một quốc gia nào không biết rõ vai trò quan trọng của rừng trong cuộc sống.

Đặc biệt, rừng đóng vai trò quan trọng trong việc tích trữ nước cho các dòng sông; rừng tạo ra và duy trì độ phì nhiêu cho đất; giúp điều chỉnh tác động tiêu cực của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ và hạn hán, xâm nhập mặn; là lá phổi xanh của trái đất quyết định sự sống còn của hơn bảy tỷ dân trên hành tinh.

Với ý nghĩa đó, nhiều năm qua, Việt Nam coi rừng là nguồn tài nguyên sinh thái quan trọng, có giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hạnh phúc của cộng đồng trên đất nước; rừng đóng vai trò quan trọng trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu thông qua những chức năng môi trường như chống xói mòn, và đảm bảo tuần hoàn nước; rừng cũng có một vai trò xã hội, góp phần tạo việc làm và thu nhập.

Minh chứng là hiện nay, khoảng 25 triệu người Việt Nam có 20 - 40% thu nhập hàng năm đến từ rừng...

Mặc dù rừng quan trong như vậy, song có một thực tế cần phải nhìn nhận để thay đổi là những năm gần đây, tình trạng phá rừng (khai thác lậu gỗ; đốt rừng làm nương rẫy; lấn chiếm rừng làm các dự án phát triển như thủy điện, khai thác khoáng sản, dự án bất động sản nghỉ dưỡng/tâm linh…) ở Việt Nam vẫn luôn ở cấp “báo động đỏ.”

Thực tế trên đã được Báo Điện tử VietnamPlus phản ánh qua các loạt bài phóng sự điều tra về “Vỡ trận quy hoạch thủy điện nhỏ” (năm 2017) và “Tội ác dưới những tán rừng xanh” (năm 2018). Các loạt bài này cũng đã chỉ ra những khoảng tối bất cấp trong công tác quản lý, những lỗ hổng vướng mắc từ cơ chế chính sách như hồi chuông cảnh tỉnh, kiến nghị, thúc giục các cơ quan chức năng liên quan, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức nghiên cứu lưu ý và sớm đưa ra cách giải quyết, cũng như hướng quy hoạch phát triển nguồn năng lượng sạch, bảo vệ rừng hiệu quả hơn.


 

Bến Tre là địa phương đầu tiên trong cả nước phát động chương trình hưởng ứng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới của Thủ tướng Chính phủ, thiết thực triển khai Tết trồng cây. (Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN)
Bến Tre là địa phương đầu tiên trong cả nước phát động chương trình hưởng ứng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới của Thủ tướng Chính phủ, thiết thực triển khai Tết trồng cây. (Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN)


Đến nay, sau nhiều năm hứng chịu tai họa từ thiên tai, nhiều quan chức có trách nhiệm, thực sự coi trọng rừng - khi chứng kiến lũ chồng lũ ở miền Trung, lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc và gần đây là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản - đã nhắn tin với người viết rằng: “Những cảnh báo của em trong các loạt bài đã phản ánh đúng xu thế của thiên tai. Nó là cảnh báo từ thực tiễn, là vấn đề nóng hổi đặt ra và đòi hỏi cần phải có giải pháp thay đổi.”

Câu hỏi đặt ra là, liệu rằng những hình ảnh về hàng trăm người dân đã bị tử nạn do lũ, lũ quét xảy ra trong thời gian qua có khiến những kẻ phá rừng “rửa tay, gác cưa” hay không? Có lẽ là không, bởi chừng nào còn lợi ích quá lớn sẽ vẫn còn những kẻ nhẫn tâm tàn phá rừng. Vấn đề là Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo các địa phương sẽ quyết tâm và có giải pháp mạnh đến đâu với vấn nạn này, để bảo vệ rừng, cũng như hạn chế những tai họa…

Hậu quả của nạn phá rừng đã quá rõ và chắc chắn với mức độ tàn phá rừng quá nhanh như hiện nay, những cơn thịnh nộ, lũ quét gây ảnh hưởng nặng nề về người và tài sản là điều khó có thể tránh khỏi đối với các tỉnh miền núi. Vì thế, giữ những cánh rừng xanh ngát, để nuôi những dòng sông hiền hòa chở nặng phù sa, tắm mát cho bao vùng đất trù phú, đó là nguồn sống để chúng ta và con cháu mai này được sống trong một môi trường xanh, sạch, phát triển bền vững và hùng cường.

 


Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus nhân dịp đầu Xuân năm mới Tân Sửu 2021, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng một đề án rất cụ thể để triển khai Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh.

"Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi thái độ của cá nhân đối với tự nhiên, bởi tự nhiên đang chịu tác động rất lớn của việc phát triển kinh tế, việc mất cân bằng sinh thái tự nhiên đang là một nguy cơ nguy cấp. Vì thế, tôi mong rằng các địa phương, doanh nghiệp và mỗi người dân sẽ có những sáng kiến góp phần làm nên Tết trồng cây không phải chỉ mỗi dịp Tết, mà sẽ trồng quanh năm; đã trồng cây nào thì cây đó phải có giá trị và phải được bảo vệ, trở thành “món quà” gửi lại cho thế hệ sau," ông nói.


Theo Hùng Võ (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm