Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Thanh âm của suối rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có lẽ, không khó để cảm nhận cái hay của trưng trong không gian vốn thuộc về nó nơi rừng núi, suối đồi hay cả giữa một dàn nhạc giao hưởng hoành tráng.

Ai đã từng nghe những bản nhạc viết cho đàn trưng mang đậm hồn rừng núi như: “Suối đàn trưng”, “Tây Nguyên chào mặt trời”, “Vũ khúc Tây Nguyên”… chắc chắn sẽ bị cuốn hút bởi âm thanh mộc mà thanh, tiết tấu nhanh mà tinh, uyển chuyển, linh hoạt như suối róc rách, như chim ríu rít, thôi thúc, đắm say.

Mỗi lần được nghe những giai điệu trầm bổng của cây đàn t'rưng, tôi vẫn từng tự hỏi, tại sao tâm hồn, tính cách đồng bào Tây Nguyên lại đầy chất nghệ sĩ, tại sao họ có khả năng chế tác và biểu diễn các nhạc cụ của dân tộc tài tình đến vậy? Phải chăng cái lồng lộng phóng khoáng của núi đồi, cái thênh thang mưa ngàn gió bạt của đất trời đã hun đúc tâm hồn họ, đã phả vào bài ca vị mặn mòi của mồ hôi trên rẫy, vị ngọt ngào của mật rừng, nét mộc mạc của sắc đỏ pơ lang, của tiếng sơn ca thánh thót núi rừng và tình yêu say đắm chung chiêng cả đất trời của các chàng trai, cô gái Tây Nguyên.

Nếu quan niệm trong âm nhạc có “phái tính”, tôi luôn tin cồng chiêng Tây Nguyên là thanh âm của “phái mạnh”, gợi từ nét trầm hùng ngân vang, từ sự kết nối linh thiêng, còn giai điệu t'rưng lại mang vẻ đẹp đầy “tính nữ”. Mềm mại, linh hoạt như nước chảy, như suối reo. T'rưng-người con gái của núi rừng, mộc mạc sinh ra từ thân nứa thân tre, lớn lên trên rẫy theo nhịp trỉa bắp, hái quả của người mẹ, người em sớm sớm, chiều chiều.

T'rưng là nhạc cụ dân tộc độc đáo của Tây Nguyên. Ảnh: Đức Thụy

T'rưng là nhạc cụ dân tộc độc đáo của Tây Nguyên. Ảnh: Đức Thụy

Hiếm có nhạc cụ dân tộc nào đã đi được những dặm đường dài rực rỡ như trưng. Càng đi xa càng nhuận sắc, càng phát tiết. Chắc hẳn cố Nghệ nhân Ưu tú Nay Pharr khi ngày đầu tiên mang t'rưng xuống núi và trình làng tại thủ đô Hà Nội cách đây mấy chục năm cũng không thể ngờ đứa con yêu của mình lại thành công đến thế. Từ nhạc cụ quen thuộc và thô mộc của các đồng bào dân tộc thiểu số Jrai, Bahnar, Ê Đê, trưng đã trở thành nhạc cụ dân tộc theo ý nghĩa trọn vẹn nhất, ở tính đại diện và tính bản sắc.

T'rưng làm từ tre nứa. Cây tre Việt Nam, loài cây biểu trưng cho mộc mạc thuần hậu của làng quê. Nét mộc ấy hiện diện trên từng mảng đàn-nốt nhạc, trong cấu trúc của thân đàn và giá đỡ, trong dụng cụ gõ, trong thanh âm của loại nhạc cụ tự thân vang, tựa như một “thổ âm” riêng-quý của một vùng miền. Ở đó, nét mộc mạc rừng núi giao hòa với những gì gần gũi, dân dã của nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, sáo trúc… mà không mất đi chất Tây Nguyên riêng của nó. Tựa hồ, mộc lại là nét duyên, là vẻ cuốn hút khó cưỡng của một cô gái đẹp và tài năng. Phải chăng trưng từ khi được chế tác đã gắn liền với tâm hồn con người lao động “ăn rừng ngủ núi”, tự nhiên, chân chất mà không kém phần tài hoa, nghệ sĩ. Nét đẹp có phần hoang dã và độc đáo ấy đã mang tiếng đàn t'rưng vượt qua bao núi non, hòa vào dàn đồng ca nhạc cụ dân tộc rồi vươn mình ra biển lớn.

Tôi tin, ai đã từng nghe những bản nhạc viết cho đàn trưng mang đậm hồn rừng núi như: “Suối đàn t'rưng”, “Tây Nguyên chào mặt trời”, “Vũ khúc Tây Nguyên”… chắc chắn sẽ bị cuốn hút bởi âm thanh tiếng đàn mộc mà thanh, tiết tấu chủ đạo nhanh mà tinh, độ băng lướt trên thanh mảng uyển chuyển, linh hoạt như suối róc rách, như lửa bập bùng, như chim ríu rít, thôi thúc, đắm say lòng người. Tiết điệu đó dễ khiến người nghe mường tượng trưng là “cô gái không biết buồn”, khó để lại dư vị sâu lắng, bởi lúc nào cũng gấp gáp như nước chảy thác reo, hoạt bát và tràn trề thứ năng lượng bất tận của đất trời. T'rưng “cân” lại những điều ấy bằng nét ngân vang, luyến láy, chồng âm từ những thanh tre có độ dài và lớn phù hợp, một đầu vát nhọn, một đầu là mắt khúc khép kín tạo thành bầu cộng hưởng, được sắp xếp thành hình thang theo cao độ. Có những nốt rung vang trong trẻo tựa giọt đàn piano, những nốt gõ vào thanh nứa già, đanh mà đẹp và sang như tiếng chuông ngân nga.

Không khó để cảm nhận cái hay của t'rưng khi diễn xướng trong không gian nó thuộc về là thiên nhiên, rừng núi, suối đồi. Nhưng ai đã từng nghe trưng trong không gian thính phòng, giữa dàn nhạc giao hưởng hoành tráng chắc cũng không khỏi ngạc nhiên và thích thú. T'rưng đưa ta đến những cung bậc cảm xúc không ngờ, say đắm và thán phục khi tiếng đàn dân tộc vang lên. Giữa rừng violon, viola, cello dặt dìu hòa tấu, t'rưng tự tin tạo một lối chơi độc diễn, một giọng solo dày và đẹp không thể lẫn. Mỗi điệu ngân rung dội vào lòng sức sống và sức cuốn hút hiện sinh mãnh liệt. Có cái gì như thể vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa đậm đà chất dân tộc và bản sắc riêng chảy tràn trong cung đàn t'rưng, uyển chuyển và tinh tế đến không ngờ.

Tôi rất thích nghe những bài “cover” phiên bản t'rưng đầy chất lửa chơi trên nền nhạc latinh như despacito. Ở đó, trưng tha hồ tung tẩy tiết điệu sở trường và thế mạnh của mình là các nốt nhanh, ngân, rung và luyến không kém gì âm điệu đặc trưng của guitar. Sở hữu vẻ đẹp tiềm năng “thiên bẩm” ấy, trưng từ lâu đã trở thành gia sản quý giá của đồng bào Tây Nguyên và dân tộc Việt Nam. Trên con đường âm nhạc thênh thang vô tận, mỗi bước đi của nó đều phóng khoáng, rộng mở đón nhận vào lòng nhiều nét tinh hoa hiện đại, đồng thời kiên định với bản sắc vốn có như một giá trị không lặp lại.

Tôi đã từng nợ trưng một tiếng lòng, bởi bấy lâu nay lớn lên trên cao nguyên nắng gió, đôi tai và trái tim vẫn vô tư lấp đầy giai điệu trưng, mặc nhiên đón nhận nó như đón nhận hơi thở từ gió, mát lành từ nước, mà không biết trưng đẹp và quý đến ngần vậy. Để giờ đây, mỗi phút giây nhịp đàn ngân rung, tôi lại thấy lòng mình dội lên niềm yêu mến, thấy tâm hồn thơi thới giữa biêng liêng đất trời và trong trẻo suối đàn reo ca.

Có thể bạn quan tâm