Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Thanh niên Gia Lai liên kết phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xác định việc xây dựng các hợp tác xã (HTX) thanh niên là hướng đi phù hợp, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn là nơi để gắn kết đoàn viên thanh niên, thời gian qua, các tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm liên kết, thành lập các HTX thanh niên.
Hợp tác xã Nuôi dê thịt xã Ia Blứ được thành lập sẽ hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Ảnh: P.L
Hiện nay, toàn tỉnh có 124 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ, gồm: 66 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt; 23 mô hình chăn nuôi; 14 mô hình kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi; 16 mô hình dịch vụ; 5 mô hình sản xuất, chế biến, cung cấp sản phẩm. Trong số này có 23 mô hình đạt mức thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm. Hàng năm, nhiều gương thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi được tuyên dương cấp tỉnh và cấp Trung ương.
 
Anh Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn: Phát triển HTX thanh niên là chủ trương lớn của Trung ương Đoàn. Việc xây dựng HTX sẽ giúp thanh niên gắn kết, hỗ trợ, mở rộng mô hình phát triển kinh tế, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ tổ chức nhiều chương trình tập huấn, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế cho đoàn viên thanh niên, đồng thời, đề xuất hỗ trợ đề án để sớm thành lập 5 HTX thanh niên trong giai đoạn 2018-2022.

Thanh niên là những người năng động, có tinh thần dám nghĩ, dám làm. Minh chứng là số mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ ngày càng nhiều. Tuy nhiên, các mô hình này chủ yếu là kinh tế hộ gia đình. Việc thành lập HTX trên cơ sở liên kết các hộ thanh niên sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp các thành viên có cơ hội hỗ trợ lẫn nhau, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Một số HTX thanh niên sau khi được thành lập đã phát huy được hiệu quả liên kết, hỗ trợ nhau. Điển hình là HTX Nông nghiệp 81 (thôn Hòa Hiệp, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) được thành lập với 20 thành viên đều có cơ sở sản xuất kinh doanh với quy mô từ 100 triệu đồng trở lên. Các thành viên đều có chung chí hướng làm giàu, lấy nông nghiệp làm lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chủ yếu với các ngành nghề như: trồng cây dược liệu, trồng nấm, tư vấn lắp đặt hệ thống tưới nước nông nghiệp, chế biến và bảo quản rau củ, sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột, cung cấp giống cây trồng… Hiện tại, nguồn vốn hoạt động của HTX hơn 700 triệu đồng, các thành viên đều cam kết hỗ trợ nhau về vốn, trao đổi kinh nghiệm và tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm… Anh Siu Jông-Bí thư Huyện Đoàn Chư Pưh-chia sẻ: “Các thành viên của HTX Nông nghiệp 81 đều có mô hình sản xuất kinh doanh riêng, sau khi liên kết lại đã hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật rất hiệu quả. Ngay sau khi thành lập, HTX đã đăng ký nhãn mác, bao bì sản phẩm. Qua theo dõi hiệu quả hoạt động của HTX này, chúng tôi nhận thấy đây là hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn”.
Tuy nhiên, để thành lập được một HTX thanh niên hiện nay vẫn còn những khó khăn nhất định. Một số mô hình còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chất lượng sản phẩm chưa cao; đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định nên khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Phần lớn mô hình kinh tế chỉ dừng lại ở loại hình sản xuất đơn lẻ, trình độ và nhận thức của thanh niên đối với kinh tế tập thể còn hạn chế...
Để tiếp tục thành lập, nhân rộng các HTX thanh niên trên địa bàn tỉnh, Tỉnh Đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên về vai trò và ý nghĩa của các HTX; tổ chức các chương trình tập huấn, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm để đoàn viên thanh niên hiểu rõ về quy trình thành lập, phương thức hoạt động của HTX. Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn xây dựng đề án “Hỗ trợ thành lập 5 HTX trong thanh niên giai đoạn 2018-2022” gồm: HTX Trồng chuối cấy mô tại thị trấn Đak Pơ (huyện Đak Pơ), HTX Nuôi dê thịt tại xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, Gia Lai), HTX Dịch vụ trùn quế tại xã Đak Hlơ (huyện Kbang), HTX Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Al Bá (huyện Chư Sê), HTX Lan cắt cành tại xã Ia Tô (huyện Ia Grai). 5 HTX này được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực quản lý điều hành và học tập kinh nghiệm thực tế tại các địa phương có mô hình HTX hoạt động tốt; được hỗ trợ nguồn vốn trang bị máy móc, phương tiện sản xuất ban đầu; được hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm;  được các tổ chức tín dụng tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn đầu tư sản xuất.
Nói về việc thành lập HTX Lan cắt cành tại xã Ia Tô (huyện Ia Grai, Gia Lai), anh Nguyễn Chí Nguyên-người đã có mô hình vườn lan khá hiệu quả tại đây-cho biết: “Việc thành lập HTX sẽ giúp mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó, tạo dựng được thương hiệu và niềm tin với khách hàng. Những thành viên tham gia HTX đều đã có mô hình sản xuất kinh tế, vì thế, nguồn vốn hoạt động không phải là vấn đề lớn. Khó nhất là nhiều thanh niên chưa hiểu rõ bản chất của HTX, lúng túng trong phương thức hoạt động”.
Phan Lài

Có thể bạn quan tâm