(GLO)- Thảm cảnh mưa lũ gây thiệt hại nặng nề, nghiêm trọng ở khu vực miền Trung làm cho bao con tim nước Việt đớn đau, rớm máu. Không thể thống kê hết thiệt hại do mưa lũ gây ra. Các nhà khoa học cho rằng, chưa khi nào thời tiết cực đoan lại xảy ra dồn dập với tính chất và mức độ nguy hiểm, khốc liệt đến thế.
Một khu vực ở tỉnh Quảng Trị chìm trong biển nước. (Ảnh nguồn: VTV.VN) |
Người dân vùng lũ cho biết, 21 năm kể từ trận lũ năm 1999, bây giờ đỉnh lũ mới đã lại thiết lập. Chưa hết, khu vực bị thiệt hại nặng nề lại sắp đón một cơn bão dữ mới đổ bộ, như theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn!
Cùng với lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đang chạy đua với thời gian phát hiện, tìm kiếm, đưa người dân đến nơi trú ẩn an toàn, hỗ trợ bảo vệ nhà cửa, tài sản, cung cấp lương thực, nước uống, thuốc men, chăn đắp, quần áo… thì cả nước cũng đang hướng về miền Trung ruột thịt bằng những việc làm thiết thực nhằm chia sẻ gan ruột nỗi mất mát đau thương, quyên góp hàng, tiền, vật tư, ủng hộ giúp bà con sớm vượt qua khó khăn, mất mát, chờ nước lũ rút để sớm triển khai khắc phục, ổn định cuộc sống.
Ngay bây giờ và những ngày tới đây vẫn sẽ là nỗ lực dồn cho việc CNCH, tìm kiếm người mất tích, mai táng người xấu số; hỗ trợ bà con vùng bị thiệt hại nơi trú ẩn, lương thực, thực phẩm, thuốc men, chăn màn, quần áo… Sau khi lũ rút, tai ương qua đi, lại là bắt tay dựng lại nhà cửa, ruộng vườn, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất và sinh hoạt. Việc gì cũng gấp gáp, cần kíp đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành và cả cộng đồng xã hội. Nhưng tin tưởng rằng, với “nghĩa đồng bào”, truyền thống “lá lành đùm lá rách”, đau thương mất mát sẽ sớm nguôi nguây, tình hình sẽ sớm trở lại bình thường.
Năm 2020 có quá nhiều tai ương. Dịch bệnh hoành hành, nhất là Covid-19 rồi lại tiếp nối mưa lũ, sạt lở đất tàn phá. Trong khi hơn 10 ngày liền, miền Trung gồng mình chống đỡ sự giận dữ của thiên nhiên thì miền Đông, miền Tây Nam Bộ cũng bị triều cường kết hợp với mưa lớn gây ngập úng khắp nơi. Các nhà khoa học, các chuyên gia, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm làm rõ nguyên nhân. Cùng với cập nhật thông tin tình hình mưa lũ, thiệt hại, những ngày qua, dư luận cũng rất quan tâm tìm hiểu nguyên nhân của tai ương. Quy hoạch thiếu khoa học; việc ồ ạt xây dựng thủy điện, thủy lợi bất chấp quy mô, thiết kế, hiệu quả, tác động mặt trái; hồ đập không đảm bảo an toàn quy trình xả lũ; rừng bị tàn phá; biến đổi khí hậu... là những nguyên nhân chủ yếu và được nêu ra nhiều nhất.
Là đất nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, đặc điểm địa hình nghiêng từ Tây Bắc sang Đông Nam, lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển, nên có lẽ thiên tai mưa bão đã song hành cùng quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Quá trình đó, dĩ nhiên những thành tựu trong phòng-chống thiên tai, bão lũ, nhân dân ta đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu.
Trong thời đại mới, chúng ta có điều kiện và thuận lợi hơn trong công tác phòng-chống thiên tai, bão lũ, do kế thừa thành tựu trước đó, kết hợp với văn minh, tiến bộ của nhân loại. Tuy vậy, tình hình vẫn rất nghiêm trọng, thiệt hại vẫn rất nặng nề, trong khi biến đổi khí hậu và thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp. Việc CNCH thiên tai, bão lũ những năm qua và mới đây bộc lộ quá nhiều sơ suất, hạn chế, bất cập, đặc biệt là về phương tiện, thiết bị hiện đại cần có.
Với hiểu biết hạn hẹp của mình, chúng tôi không phủ nhận nỗ lực của lực lượng phối hợp làm nhiệm vụ CNCH thời điểm vừa rồi nhưng cũng băn khoăn là sao không dùng máy bay đưa lực lượng, phương tiện như máy xúc, máy đào, san gạt, thiết bị cần thiết tiếp cận hiện trường để nhanh chóng xử lý và xử lý hiệu quả? Cách thức, phương pháp CNCH khi có bão lũ và dập tắt cháy rừng, theo người viết là điều hiện đang có nhiều bất cập. Ngay cả thành tựu đã được kiểm chứng ở một số nơi là làm nhà chống lũ, vượt lũ thì trong thực tế cũng không được áp dụng rộng rãi. Vì lý do gì? Vì thiếu sự đồng thuận, kinh phí, hay chính sách, chế tài?
Những vấn đề đặt ra, dĩ nhiên đều có cơ sở, nguyên do. Chúng ta, chắc hẳn ai cũng biết rằng, ngoài nguyên nhân trực tiếp đến từ thiên tai, vai trò con người bị triệt tiêu hoàn toàn trước thảm họa này phải là nguyên nhân chủ yếu. Vâng, vai trò của con người, bằng xương bằng thịt, với những chức trách, nhiệm vụ cụ thể. Làm sao trong bối cảnh thiên tai, biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay lại hoàn toàn có thể đổ mọi “tội lỗi”, hậu quả là do “ông Trời”, khách quan ?!
Muôn đời, thiên nhiên ân tình và sòng phẳng, vậy còn thái độ của chúng ta?
THẤT SƠN