Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà: Trọn đời vì sự bình yên của Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gắn gần trọn cuộc đời quân ngũ trên mảnh đất Tây Nguyên, Thiếu tướng-Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Hà-nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên là “khắc tinh” của bọn phản động FULRO và là người có đóng góp to lớn cho sự bình yên của những buôn làng.

Sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Hà Nội, năm 1983, khi vừa tốt nghiệp Trường Đại học An ninh, Nguyễn Xuân Hà về nhận công tác tại Phòng An ninh dân tộc miền Trung-Tây Nguyên (Cục Bảo vệ chính trị IV, Tổng cục An ninh, Bộ Công an). Sau thời gian ngắn làm trinh sát tại đơn vị, ông tình nguyện lên Tây Nguyên nhận nhiệm vụ và được phân công về vùng trọng điểm của FULRO ở huyện Mang Yang. Thời kỳ đó, vùng đất này còn hoang sơ với bạt ngàn rừng núi, địa hình hết sức phức tạp, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, bệnh sốt rét hoành hành, nhiều tập quán lạc hậu.

  Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Giám đốc Công an tỉnh đến thăm, tặng quà Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Hà (bìa trái). Ảnh: Lê Anh
Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Giám đốc Công an tỉnh đến thăm, tặng quà Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Hà (bìa trái). Ảnh: Lê Anh


Để làm tốt công tác nắm tình hình, ông cùng đồng đội đến tận những buôn làng heo hút cùng ăn, cùng ở với bà con. Bằng tình cảm chân thật, ông đã tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động FULRO, đồng thời không nề hà bất cứ công việc gì để cùng làm, cùng trò chuyện, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. “Mưa dầm thấm lâu”, người dân ở những nơi ông đến dần hiểu ra bản chất của bọn phản động FULRO. Họ đã đặt trọn niềm tin, xem ông như người con của buôn làng và sẵn sàng che chở, đùm bọc, cung cấp những thông tin quan trọng về các đối tượng FULRO đang hoạt động trong vùng.

Sau thời gian bám trụ tại các buôn làng, tổ trinh sát của ông xác định được toàn bộ 4 khung FULRO hoạt động trong vùng để xây dựng chuyên án đấu tranh. Chuyên án đầu tiên là đấu tranh với đối tượng Siu Châu-Chỉ huy trưởng và Nay Loan-Chỉ huy phó của ZG27 (theo phân cấp của tổ chức FULRO thời bấy giờ gọi là tỉnh An Khê, bao gồm từ Đak Đoa đến An Khê ngày nay). “Qua nguồn tin, tôi nắm bắt được, 2 đối tượng xảy ra mâu thuẫn với tổ chức và muốn về trình diện chính quyền. Tuy nhiên, vì tâm lý lo sợ nên cả 2 vẫn lẩn trốn trong rừng. Nắm bắt tâm lý đối tượng, tôi đã trực tiếp viết thư tay gửi cho người thân của Siu Châu để đưa đến tận nơi động viên hắn về trình diện. Sau khi nhận được thư của tôi, cả 2 tin tưởng đã từ rừng về hàng”-Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà nhớ lại. Chuyên án đầu tiên trong đợt đánh FULRO vào năm 1985 ở địa bàn phía Đông Bắc Gia Lai của ông kết thúc với thắng lợi giòn giã.

Tiếp đó, từ năm 1985 đến 1992, ông còn trực tiếp tham gia thêm 4 chuyên án đấu tranh với tổ chức FULRO trên địa bàn Tây Nguyên, gọi hàng và bắt giữ hơn 20 tên phản động, trong đó có A Biu-Phó Tư lệnh Quân khu 2 của tổ chức FULRO và các đối tượng: Danh, Y Khiêm, JaNa… Đến cuối năm 1992, ta đã triệt phá toàn bộ hoạt động FULRO vũ trang ở Tây Nguyên.

Nhớ lại thời kỳ đấu tranh triệt phá tổ chức FULRO, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà cho biết: “Thời điểm đó, cán bộ, chiến sĩ an ninh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, gian khổ. Có những chuyên án phải tổ chức mật phục, truy lùng đối tượng nên phải ăn ở giữa rừng hoang, núi lạnh cả tháng trời. Gian khổ là vậy nhưng chúng tôi vẫn lạc quan, bám trụ địa bàn để công tác và chiến đấu, góp phần cùng Công an các tỉnh Tây Nguyên giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.

Dù toàn bộ khung của tổ chức FULRO ở Tây Nguyên đã bị bóc gỡ nhưng các thế lực phản động bên ngoài vẫn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo một bộ phận người dân tộc thiểu số với âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết, chống phá chính quyền. Đặc biệt, từ năm 2000, tổ chức phản động “Tin lành Đê ga” hình thành ở nước ngoài và không ngừng kích động, lôi kéo người dân ở khu vực Tây Nguyên tham gia. Lúc này, với cương vị là Phó Trưởng phòng An ninh dân tộc miền Trung-Tây Nguyên, ông lại cùng cán bộ trong đơn vị tiếp tục bám dân, bám làng để nắm bắt tình hình, tổ chức đấu tranh với các đối tượng phản động ở Tây Nguyên.

Song song với nhiệm vụ truy quét bọn phản động, ông còn làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thấy được bản chất xấu xa của bọn phản động, không nghe, không tiếp tế và không đi theo chúng để chống phá chính quyền. Qua công tác nghiệp vụ, từ năm 2000 đến năm 2020, ông trực tiếp tham gia đấu tranh, gọi hàng và bắt giữ hàng chục đối tượng cầm đầu tổ chức “Tin lành Đê ga” đã kích động, lôi kéo người dân gây ra các vụ biểu tình, bạo loạn trên địa bàn các tỉnh. Ông còn trực tiếp chỉ đạo, gọi trình diện và bắt giữ các đối tượng cốt cán để xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn” ở tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên thấy rõ bản chất phản động, lừa bịp của tổ chức “Tin lành Đê ga” và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc, góp phần củng cố chính quyền cơ sở và khống chế, đẩy lùi hoạt động của các tổ chức phản động.

Với những chiến công trong quá trình công tác, năm 2004, ông được giao giữ chức Phó Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên. Năm 2008, ông vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Đến năm 2015, ông đảm nhận cương vị Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên và được Chủ tịch nước phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 2018, khi Bộ Công an sáp nhập một số đơn vị, ông giữ chức Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa.

 

 LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm