Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người, Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, mở ra một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam. Thời đại Hồ Chí Minh được xác định bằng 3 dấu mốc lịch sử: Tuyên ngôn Độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và Di chúc - đỉnh cao của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945. Ảnh: TƯ LIỆU |
1. Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do ra đời.
Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu và phổ biến: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do. Dân tộc đó phải được độc lập”.
Tuyên ngôn Độc lập là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng thiết tha nhất của nhân dân Việt Nam, là biểu hiện hùng hồn khí phách, bản lĩnh kiên cường, ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc lập là hoa là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường… Nó mở ra một kỷ nguyên mới dân chủ, cộng hòa.
2. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi lưu danh sử sách.
Từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946, dân tộc Việt Nam vượt qua một chặng đường đặc biệt khó khăn, gian khổ nhưng giành thắng lợi vẻ vang. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn chính sách đối ngoại mềm dẻo, khôn khéo, lợi dụng mâu thuẫn, phân hóa hàng ngũ kẻ thù. Kế thừa truyền thống yêu chuộng hòa bình, tránh cho hai dân tộc Việt - Pháp đổ máu vô ích, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) với sự nhân nhượng tối đa và mở cuộc đàm phán với Chính phủ Pháp. Thiện chí hòa bình của dân tộc Việt Nam, của Trung ương Đảng và Chính phủ tiếp tục bị thách thức khi thực dân Pháp phớt lờ Tạm ước Việt - Pháp 14-9-1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Bộ trưởng Bộ Hải ngoại M. Moutet. Đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới đồng bào cả nước Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, khẳng định ý chí kiên quyết chống xâm lăng, giành và giữ hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến khẳng định: “Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến còn thể hiện sự tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam: Dù phải gian lao kháng chiến, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
3. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố sau khi Người qua đời. Nội dung chủ yếu của Di chúc thể hiện: Vấn đề xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh được Di chúc đặt lên hàng đầu: “Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác… Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Trung thành với Di chúc của Người, nhân kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc (2-9-1969 - 2-9-1999) và kỷ niệm lần thứ 70 Ngày thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-2000), cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực hiện tự phê bình và phê bình được tiến hành.
Tự phê bình và phê bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Di chúc: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau… Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Về tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau được Di chúc của Người viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ… Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Chăm lo đời sống nhân dân được Di chúc của Người chỉ rõ: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi bao đời chịu đựng gian khổ… Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Điều mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, cũng chính là mục tiêu thời đại Hồ Chí Minh.
PGS-TS VŨ HỒNG QUANG (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
(Dẫn nguồn SGGPO)