Thu Quỳnh: "Tôi vẫn biết rung động, vẫn rất thích cảm giác yêu đương..."

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thu Quỳnh thừa nhận, cô chưa gặp được người đàn ông yêu thương mình vô điều kiện.
Thu Quỳnh: "Tôi vẫn biết rung động, vẫn rất thích cảm giác yêu đương..."
Sau "Hương vị tình thân", Thu Quỳnh lại lao vào công việc, trở lại guồng quay ở Nhà hát Tuổi trẻ, như thế liệu có thời gian cho bản thân không?
- Có chứ. Tôi vẫn có những khoảng thời gian dành riêng cho mình. Nhưng mà khi đến nhà hát cũng giống như là đi chơi ấy, thích lắm.
Khánh Thy trong "Hương vị tình thân" đã rất may mắn và hạnh phúc khi có một người đàn ông yêu thương mình vô điều kiện, nhiều người nghĩ mẫu đàn ông như vậy ở ngoài đời dường như không tồn tại?
- Tôi cũng không biết nữa. Hình như tôi chưa gặp, nhưng chắc là cũng có người như vậy đấy (cười).
Tôi nghĩ rằng trong tình yêu mình không cần phải đi tìm. Có duyên ắt sẽ gặp. Tôi chưa bao giờ có ý định đi tìm người yêu. Tôi còn bận làm nhiều thứ khác. Vì một người đàn ông dành cho mình sẽ tự đến một cách tự nhiên, không sắp đặt.
 
Thu Quỳnh và Anh Vũ có bộ ảnh rất tình cảm tặng người hâm mộ sau "Hương vị tình thân". Ảnh: FBNV
Liệu bây giờ Thu Quỳnh có rơi vào tình trạng ngày càng khó yêu hơn không?
- Nhiều người nghĩ tôi không thể yêu được nữa. Nhưng tôi vẫn biết rung động, vẫn rất thích cảm giác yêu đương dù hiện tại bản thân đã lí trí hơn. Mình cũng thích người này người kia, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức cảm tình như vậy thôi. Nếu hỏi tôi có yêu mãnh liệt nữa hay không, có lẽ câu trả lời phải phụ thuộc vào đối phương, xem họ có tạo ra cảm xúc "hóa học" để tôi yêu một cách hưng phấn nữa hay không.
Nói vậy nghĩa là Thu Quỳnh không có hình mẫu người yêu cụ thể ? Vậy có yêu cầu nào đặc biệt dành cho đối phương khi ứng xử với bé Be không?
- Đúng là tôi không có yêu cầu cụ thể với việc có người yêu hay không, hoặc tiêu chí dành cho bất cứ người đàn ông nào. Người đó không cần quá yêu thương Be, nhưng phải hiểu được tâm lý trẻ con.
Nếu sắp tới có người đàn ông nào xuất hiện trong cuộc đời, tôi mong người ấy sẽ cho mình sự thoải mái, vì tôi là người không thích sự trói buộc.
Học đạo diễn không vì tham vọng danh hiệu 
Hơn 10 năm trong nghề, tỏa sáng với rất nhiều vở diễn, vai diễn khác nhau, Thu Quỳnh liệu đã thỏa đam mê của mình chưa?
- Chưa đâu. Thu Quỳnh sẽ còn gắn bó với sân khấu dài dài. Tôi không phải là người dễ thỏa mãn, hài lòng mà cực kì khắt khe và có tham vọng khá lớn khi làm nghề. Đó không phải tham vọng huy chương hay danh hiệu, mà là tham vọng khám phá nhiều vai diễn mới mẻ hơn nữa.
Đối với tôi, mỗi vai diễn là một thử thách, một áp lực. Và nó có trở thành vai diễn "để đời" hay không là do khán giả nhận định. Riêng với sân khấu, vẫn còn quá nhiều thứ để mình khai thác, còn quá nhiều thứ mình cần phải học hỏi, mà bây giờ tôi mới chỉ học được có chun chút thôi.
 
Diễn viên Thu Quỳnh và Thanh Sơn diễn trong lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam.
Thu Quỳnh đang theo học lớp Đạo diễn sân khấu. Nhưng với phụ nữ, con đường này chắc hẳn cũng chông gai hơn so với các nam đạo diễn?
- Tôi đi học đạo diễn chưa phải để làm đạo diễn ngay, mà để mình làm diễn viên tốt hơn sau khi được bổ sung thêm kiến thức. Đó cũng là mong muốn đầu tiên và duy nhất của tôi khi quyết định đi thi và học đạo diễn.
Tôi muốn học xem đạo diễn sẽ phải làm những gì, họ nhìn và đọc kịch bản ra sao. Những gì được học cho chuyên môn đạo diễn sẽ nâng cấp vai trò diễn viên hiện tại, hỗ trợ cho tôi trong công việc sau này.
Tính đến thời điểm làm phim "Hương vị tình thân" là tròn 10 năm Thu Quỳnh ra trường, nhưng tôi cảm thấy đôi khi chất xám của mình đang bị hao mòn đi. Vì vậy, tôi cần có cái gì đó tác động để tái tạo chất xám, kích thích thần kinh hoạt động. Tôi nghĩ như vậy và tự nhủ là thôi cứ đi học. Và đúng là tôi đã trau dồi được thêm rất nhiều thứ: từ việc tôn trọng kịch bản đến hệ thống được toàn bộ vở diễn. Khi làm phim, hay chạy vở sân khấu, bất kể vai nào, mình cũng phải lên được hệ thống và coi đó như cái khung để phân bổ diễn xuất, cảm xúc. Việc học đạo diễn hỗ trợ cho tôi rất nhiều cho nghề diễn.
 
Thu Quỳnh biết dùng lợi thế hình ảnh ở phim ảnh để lôi kéo khán giả đến với sân khấu. Ảnh: FBNV
Là người có nhiều lợi thế khi được phát triển ở lĩnh vực phim ảnh nhưng vẫn đắm đuối với sân khấu, Thu Quỳnh có niềm tin nào đó vào sự chuyển mình của sân khấu không, nhất là trong khoảng thời gian "khó chồng khó" suốt 2 năm dịch bệnh?
- Sân khấu có một ma lực, một sức hút rất kì lạ. Khi khán giả đến sân khấu, sự cộng hưởng cảm xúc giữa họ với diễn viên tạo ra hiệu ứng khác biệt với truyền hình và điện ảnh. Nó khác hẳn với việc các bạn đến rạp và xem phim, khác với việc chỉ nhìn diễn viên qua màn ảnh, khác với việc các bạn ngồi ở nhà, ăn cơm uống nước và lướt qua một bộ phim.
Sự tương tác, cộng hưởng cảm xúc, sự "truyền điện" của diễn viên với khán giả sẽ mang lại cảm xúc rất khác. Tôi luôn tin vào sức hút đó, tin rằng một ngày nào đó sẽ kéo khán giả trở lại được với sân khấu. Bất kể là diễn viên, những người làm âm thanh, ánh sáng hay tất cả những người làm việc trong nhà hát đều rất rất khó để bỏ sân khấu mà đi. Nếu người nào dứt được nhà hát đi thì họ chắc chắn sẽ có một khoảng thời gian chông chênh, thậm chí không dám đến sân khấu, bởi hễ cứ đến là khóc, đến là muốn lên sân khấu để diễn ngay.
 
Thu Quỳnh có vai diễn thành công trong vở "Cậu Vanya".
Đúng là bây giờ sân khấu đang gặp khó khăn về nhiều mặt, như chất lượng kịch bản, chất lượng vở diễn, khó khăn về thị hiếu chứ không chỉ riêng việc tiếp cận khán giả. Hiện tại có rất nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí khác hấp dẫn hơn. Riêng giải trí có sự phát triển và thay đổi rất nhanh, trong khi để tập luyện một vở kịch để đưa ra sân khấu mất rất nhiều thời gian và công sức. Việc đầu tư cho một vở kịch hoành tráng để kéo được khán giả đến, níu giữ họ ngồi 2 tiếng đồng hồ để xem một vở kịch trong rạp hát đòi hỏi những thành viên nhà hát phải tìm tòi, sáng tạo hơn, sẵn sàng du nhập những cái mới hơn.
Một bộ phận bạn trẻ bây giờ gần như không biết đến kịch là gì, không biết đến nhà hát xem kịch là như thế nào. Tôi cũng rất buồn khi những người bạn thậm chí bằng tuổi, cùng lứa với mình nhưng chưa bao giờ đặt chân đến nhà hát xem kịch. Có rất nhiều người bị "ép" đến xem, rồi lại nói không nghĩ là xem kịch lại tuyệt vời như vậy.
Trong cơn khủng hoảng vừa rồi, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như giới chuyên môn nói rất nhiều về giải pháp phát triển nhà hát online. Theo bạn, với xu hướng công nghệ số, số hóa như hiện nay, liệu sân khấu có thể đứng được với cách tiếp cận khán giả truyền thống hay vẫn phải loay hoay đi tìm những hướng đi khác như nhà hát online?
- Tôi nghĩ tiếp cận truyền thống vẫn là điều tuyệt vời nhất, bên cạnh hình thức nhà hát online. Sân khấu có thể số hóa, nhưng không phải toàn bộ. Nếu sân khấu mà cũng số hóa thì không khác gì kịch truyền hình. Từ trước tới giờ, tiếng nói sân khấu và tiếng nói phim truyền hình rất khác nhau. Truyền hình gần với cuộc sống hơn, tả thật hơn, trong khi với sân khấu, mọi thứ là ước lệ.
Tôi vẫn mong sân khấu sẽ sáng đèn và một lúc nào đó có thể quay lại thời kỳ hoàng kim. Nhiều năm trở lại đây, các cán bộ nhà hát đã cởi mở hơn trong việc để diễn viên của mình đi đóng phim.
Ngày xưa, các anh chị lãnh đạo nhà hát rất hạn chế trong việc để diễn viên của mình đi làm phim, nhất là với diễn viên trẻ còn chưa cứng nghề sân khấu. Bây giờ các nhà hát đã cởi mở hơn rất nhiều, vì tình thế buộc phải như vậy. Như anh Chí Trung vẫn thường nói: "Chúng tôi xuất khẩu diễn viên để thu về những ngôi sao". Việc tiếp cận khán giả bây giờ có rất nhiều phương thức. Nếu như mình không thể tiếp cận bằng một tập thể thì có thể chia lẻ ra các lĩnh vực.
Lứa diễn viên trẻ của sân khấu hiện nay vẫn còn đông, có nghĩa là vẫn còn lớp kế cận. Những người trẻ như tôi, thậm chí trẻ hơn, vẫn có tình yêu rất mãnh liệt với sân khấu. Vậy bây giờ việc tiếp cận khán giả theo hình thức cá nhân sẽ dễ hơn là tập thể.
Cảm ơn Thu Quỳnh!
Theo Ngọc Ánh - Nguyên Khánh (Tiền Phong/Dân Việt)
https://danviet.vn/thu-quynh-chua-bao-gio-co-y-dinh-di-tim-tinh-yeu-20211102135946962.htm

Có thể bạn quan tâm