Có người phụ thuộc nào sống được ở mức 4,4 triệu đồng/tháng? Và 11 triệu đồng đã đủ cho một cuộc sống đàng hoàng?
Cho dù mới chỉ đưa ra lấy ý kiến về mức giảm trừ gia cảnh trong luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nhưng ngay lập tức, các mức giảm trừ 11 triệu đồng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc đã gây ra phản ứng trong xã hội.
Phản ứng, là bởi cách tính của Bộ Tài chính - Nhân 9 triệu đồng mức giảm trừ gia cảnh cũ với 23% CPI để ra con số làm tròn 11 triệu đồng - “đơn giản đến lạnh lùng, vô cảm”.
Ngoặc kép là từ dùng của PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính, ĐH Kinh tế TPHCM. Trên báo Tuổi trẻ, TS Bảo lấy ví dụ: “Giả sử bữa cơm của một gia đình 4 người vào năm 2017 có trị giá 100.000 đồng thì với cách tính trên năm 2019 là 123.000 đồng.
Nghĩa là thành phần, số lượng và chất lượng bữa ăn không có gì thay đổi”. Và “với cách tiếp cận vấn đề như vậy khiến sau gần 10 năm, chất lượng cuộc sống của người dân vẫn giẫm chân tại chỗ, không thêm được “tí rau tí thịt” nào.
Phản ứng, bởi người dân không thêm được “tí rau tí thịt” nào, trong khi người bán rau bán thịt trà đá hủ tiếu vỉa hè trong số hàng vạn, hàng triệu hộ kinh doanh vỉa hè thậm chí đang có cảm giác “bị bỏ quên”. Theo Luật thuế hiện hành, có tới 10 loại thu nhập phải chịu thuế TNCN, nhưng cũng từ bao năm nay, ngưỡng chịu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể vẫn duy trì “ngưỡng” 100 triệu đồng. Ấy vậy mà trong sự điều chỉnh đang lấy ý kiến kia, lại không hề có việc điều chỉnh ngưỡng chịu thuế.
Giá cả tăng, điện nước xăng dầu tăng, viện phí học phí, chi phí cuộc sống, chi phí bát phở tô hủ tiếu tăng, thuế đóng không thiếu xu nào... Liệu một người phụ thuộc có thể đủ sống với mức 4,4 triệu đồng? Liệu một người nộp thuế có thể đảm bảo được cuộc sống ở mức 11 triệu đồng? Liệu một hộ kinh doanh cá thể có tồn tại nổi với ngưỡng 100 triệu đồng, tức là chỉ cần doanh thu 237.000 đồng mỗi ngày đã tới ngưỡng đóng thuế?
Ngẫm lại ngưỡng chịu thuế thu nhập cho hộ kinh doanh đang tạo ra sự thiếu công bằng, gây bức xúc xã hội. Đưa ra một mức giảm trừ không hề căn cứ vào thực tế cuộc sống. Máy móc tính toán để chưa ban hành đã lạc hậu. Một chính sách tác động đến cuộc sống, đến sinh kế của hàng chục triệu người cần được xem xét, đánh giá tác động một cách cẩn trọng chứ không thể vì khoản hụt thu nào đó mà lại được tính toán và hoạch định giản đơn một cách lạnh lùng và bất chấp như vậy.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/thue-thu-nhap-ca-nhan-dong-xong-thi-doi-788824.ldo
Theo Anh Đào (Báo Lao Động)