Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Thương những mùa hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi gió đổi chiều mang chút hanh hao se lạnh về với vùng đất cao nguyên cũng là lúc hoa dã quỳ bung sắc vàng rực rỡ. Ven các sườn đồi hay dọc các lối đi, đâu đâu cũng đượm một màu vàng tươi với biết bao cánh hoa báo đông vươn về phía ánh mặt trời. Trong tâm thức cư dân Tây Nguyên, dã quỳ đã là một biểu tượng của miền đất đầy mơ tưởng và huyền thoại này.

Loài hoa ấy cũng đã đem đến nguồn cảm hứng sáng tạo cho không ít nhiếp ảnh gia, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ. Vậy nên, thật dễ hiểu khi với nhiều người, chỉ cần những cơn mưa cuối mùa vừa dứt, thoáng thấy sắc vàng của hoa, sắc lạnh của đôi ba cơn gió đầu mùa khô, trái tim đã ngân lên nỗi xuyến xao, mong chờ.

Ảnh minh họa: Phạm Quý

Ảnh minh họa: Phạm Quý

Dã quỳ, cứ đến hẹn lại từng vạt, từng vạt vươn mình trong gió, hòa vào miên man nắng và rộ hoa. Sắc hoa đổi thay từng ngày, tùy vào sự cảm thấu ánh nắng, lúc thì vàng tươi, vàng mơ, vàng đượm, khi lại ngân lên một màu vàng khắc khoải. Hoa dã quỳ bắt nguồn từ một câu chuyện tình yêu mãnh liệt và thủy chung của đôi trai gái miền sơn cước. Màu hoa rực lên trong nắng nồng gió thắm, như thể hiện sức sống mạnh mẽ và tình yêu son sắt của con người Tây Nguyên. Không mang vẻ rực rỡ kiêu sa như các loài hoa khác, cái đẹp của dã quỳ gắn với mênh mông núi đồi, trong gió hanh hao, trong sắc nắng vàng đặc trưng của mùa khô, bên những loài hoa cỏ khác.

Cũng có người đem dã quỳ vào cắm bình đặt nơi phòng khách, nhưng cũng giống như sơn nữ được đưa vào chốn phồn hoa đô hội, có một chút gì lạc lõng. Cùng với tiếng cồng chiêng, cùng với những điệu xoang say đắm, những con đường hoa rực rỡ như tươi thắm và quyến rũ hơn bao giờ hết.

Với những người dân lớn lên nơi miền cao nguyên này, bao nhiêu mùa dã quỳ nở hoa là bấy nhiêu kỷ niệm ngọt ngào với gia đình, bạn bè và không thiếu được là những mối tình mộc mạc nhưng đầy đắm say như nắng, như gió. Mùa dã quỳ nở cũng là mùa cưới, có bao nhiêu tình yêu đẹp đã kết trái từ những mùa hoa vàng rực rỡ ấy. Nhờ những mối duyên lành mà những người từ vùng quê khác đã trở nên gắn bó với dã quỳ, đem những sắc thái riêng của quê mình để góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa cho miền đất mới.

Dã quỳ bây giờ được nhiều người biết đến hơn nhờ vào sự lan tỏa của báo chí và mạng xã hội. Hình ảnh về những đồi hoa vàng rực đầy lôi cuốn đã là một sự quảng bá hiệu quả và đầy mời gọi. Hàng năm, cứ vào tháng 11, lễ hội hoa dã quỳ được tổ chức đã thu hút khách du lịch từ khắp nơi. Sắc vàng quyến rũ, không gian thanh bình đã làm say lòng lữ khách, có người còn ngẫu hứng ứng tác đôi dòng: “Núi đồi nhuộm một sắc vàng/Chiều nghiêng bóng nắng, dịu dàng dáng ai”.

Tôi đã lớn lên với bao mùa lúa, bao mùa măng, bao mùa con ong đi lấy mật. Tiếng cồng tiếng chiêng trong những lễ hội bỏ mả, mừng lúa mới đã đi vào cuộc sống từ những ngày còn thơ bé, cùng với loài hoa dại sắc vàng tươi từng ở rất gần xung quanh, trên bờ rào, lối đi, nương rẫy. Dã quỳ chứng kiến tôi lớn lên, trưởng thành, cùng tôi trải qua bao vui buồn của cuộc sống.

Theo dòng thời gian, nhiều đồi hoang đã thành khu dân cư, dã quỳ cũng xa phố hơn. Tuy nhiên, như những gì đã trở thành bản sắc của Tây Nguyên, dã quỳ vẫn giữ được chỗ của mình trên những con đường đi vào nương rẫy, bạt ngàn trên những vùng đất từng là miệng núi lửa ngày xưa như Chư Đang Ya, Hàm Rồng, những nơi đã trở thành điểm đến đáng nhớ của miền đất Gia Lai thân yêu.

Mỗi năm một lần, tôi lại chụp cho mình những tấm hình với dã quỳ để lưu lại những kỷ niệm. Rồi năm tháng sẽ qua. Hoa tàn, hoa lại nở, chỉ có con người đôi khi phải lỗi hẹn với mùa hoa. Và, những cánh hoa vàng vẫn rung rinh trong gió như muốn gửi bao lời yêu thương từ mảnh đất quê hương yêu dấu đến những đứa con xa chưa kịp về để đón một mùa hoa.

Có thể bạn quan tâm