Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Tình bạn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tôi có một ông bạn đã quá cố. Khi còn sống, cuộc sống gia đình ông không mấy hạnh phúc. Bù lại, ông có rất nhiều bạn.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Đến nhà chơi, thấy ông dùng than viết một dòng chữ lên tường: Bạn bè là nơi trút bỏ những nỗi buồn và đong đầy những niềm vui! Nghe thì có vẻ hơi cường điệu nhưng với riêng ông thì khá đúng. Bởi hầu như cuối đời ông chỉ còn cái phao cứu sinh duy nhất để mà bấu víu, đó là tình cảm của bạn bè.

Ngày ông qua đời, bạn bè đến đưa tiễn rất đông. Và người ta nhận ra rằng, việc ông sống ráng được vài năm là nhờ vào tình bạn nhiều hơn là nhờ… cơm!

Tôi không thuộc mẫu người quảng giao; nghĩa là tôi có ít, thậm chí là rất ít bạn bè. Nhưng không thể vì thế mà bảo rằng tôi không xem trọng tình bạn. Có điều, tôi sống theo cái lập trường “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Thế nên, vài người bạn của tôi đều có thể tạm gọi là bạn ra bạn; dù chưa đến mức sống chết có nhau nhưng đối đãi với nhau cũng khá thành tâm.

Cái thành tâm mà tôi muốn nói đến ở đây chính là sẵn sàng giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ mọi thứ trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Thế nhưng, thành tâm chỉ mới là một trong những yếu tố cấu thành tình bạn. Và mãi sau này tôi mới “ngộ” ra, ngoài sự thành tâm thì cần có sự đồng thanh, đồng khí hay nói dân dã hơn là… điểm giống nhau.

Tất nhiên, không phải giống đến mức thành bản sao của nhau; nhưng muốn trở thành bạn nhau ít nhất phải có vài điểm giống nhau cơ bản, có thể về tính cách, sở thích, hoàn cảnh, quan niệm, cách hành xử... Giống nhau để dễ cảm thông và chia sẻ cùng nhau.

Ấy là nói tình bạn ở trạng thái chung chung. Còn một kiểu tình bạn khác, quý giá và hiếm hoi hơn, đó là tri kỷ. Tri kỷ là một kiểu tình bạn vượt lên trên hoàn cảnh, bất chấp những khác biệt về thứ bậc, tuổi tác, địa vị, giới tính, nghề nghiệp hay hoàn cảnh kinh tế. Nói nôm na thì tri kỷ chính là biết người. Cái biết này đã được đại thi hào Nguyễn Du diễn tả vô cùng ấn tượng trong 2 câu thơ: “Một lời đã biết đến ta/Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau”.

Hóa ra cái đích tối hậu của hành trình phát triển mối quan hệ bạn bè là... biết nhau. Thành tâm là để biết giúp nhau. Giống nhau là để dễ biết nhau. Ngẫm cho cùng, một trong những phúc phận lớn nhất của đời người có lẽ là tìm ra tri kỷ.

Không bà con, thân thích hay nợ nần nhau, ấy vậy mà người ta có thể chết vì tri kỷ. Thế nhưng, cuộc đời này có bao nhiêu mối tình tri kỷ? Có lẽ là quá ít! Mà cũng phải, ít thì mới trân quý. Nếu tri kỷ cũng nhiều như bạn… nhậu thì cần chi văn chương phải than thở: “Mênh mang sóng dợn chân trời/Biết đâu tri kỷ ngỏ lời tri âm”.

Có thể bạn quan tâm