Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Tỏa sáng theo gương Người: Dấu ấn khoa học phục vụ cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Năm 1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, Bác Hồ đã nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa của khoa học kỹ thuật. Bác căn dặn đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật phải ra sức đem hiểu biết của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt. Nhớ lời dạy của Bác, trong thời đại khoa học phát triển vũ bão như hiện nay, dù làm việc ở ngành nghề gì, công tác ở vị trí nào thì nhiều người con thành phố mang tên Bác luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình để đưa các ứng dụng mới phục vụ cộng đồng.

 Thầy Nguyễn Quốc Đoàn giảng dạy bằng mô hình giúp học viên nắm kiến thức chắc hơn. Ảnh: THU HƯỜNG
Thầy Nguyễn Quốc Đoàn giảng dạy bằng mô hình giúp học viên nắm kiến thức chắc hơn. Ảnh: THU HƯỜNG



Miệt mài nghiên cứu

GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TPHCM (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM), là một chuyên gia đầu ngành về hóa học trước năm 1975, được mời sang Mỹ khi chính quyền Sài Gòn sắp sụp đổ, nhưng ông quyết định ở lại và cống hiến. Mỗi khi có dịp ông lại nhắn nhủ: Những điều tôi muốn gửi gắm đến các học trò của tôi và nếu được phép thì đến đội ngũ khoa học trẻ Việt Nam chỉ vỏn vẹn trong các cụm từ “Trọng thầy, thương trò, đam mê nghiên cứu, giảng dạy, gắn bó với đất nước”.

“Gắn bó với đất nước”, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn thể hiện bằng sự trung thành tuyệt đối với Đảng, nghiêm túc chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, tuân thủ pháp luật Nhà nước. Cũng vì thế, trong cuộc sống ông có phong cách rất giản dị, tiết kiệm và luôn phấn đấu tự rèn luyện, học tập, noi gương Bác. Đặc biệt, với đam mê cống hiến, cuộc sống của ông gần như gắn chặt với phòng thí nghiệm. Hiện nay, dù đã hơn 80 tuổi, ông vẫn miệt mài nghiên cứu, hướng dẫn các nhà khoa học trẻ nghiên cứu phân tích kiểm nghiệm, nhất là ở lĩnh vực liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Những khi có sự kiện nóng liên quan đến an toàn sức khỏe của người dân, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn cùng cộng sự lao vào nghiên cứu để nhanh chóng tìm nguyên nhân, giải pháp như các vụ: sữa nhiễm melamine, bún có chứa tinopal (chất tẩy trắng công nghiệp), nước tương chứa 3-MCPD, cá basa nhiễm chất diệt cỏ, tôm nhiễm chất bảo quản... Ngoài ra, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn cùng cộng sự đã trích tinh dầu từ lá trầu và xử lý đặc biệt để có hoạt tính ức chế được virus gây bệnh tay chân miệng. Trong giảng dạy, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn luôn truyền cảm hứng, đam mê và nhiệt huyết nghiên cứu khoa học đến với bao thế hệ trẻ, từ đó đóng góp tích cực vào lĩnh vực phân tích kiểm nghiệm cho khoa học kỹ thuật và cho sự phát triển của TPHCM.

Trong khi đó, GS-TSKH Nguyễn Ân Niên, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Công nghệ môi trường (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM), là nhà khoa học trong lĩnh vực thủy lợi, cơ học lỏng và thủy lực. Sau nhiều năm nghiên cứu khoa học, ông có được nhiều kết quả quan trọng như xây dựng và đưa vào vận dụng các sơ đồ tính toán để nghiên cứu dòng chảy của các sông lớn, đưa ra “dạng bất biến thứ 3 của hệ phương trình động lực học” làm cơ sở để tính toán trong nghiên cứu thủy văn, đưa ra lý thuyết về các thành phần nguồn nước hay vận dụng trong nghiên cứu thủy lực và cơ học lỏng… Những kết quả này đóng góp quan trọng vào việc phục vụ phát triển bền vững cho TPHCM, cho vùng cũng như cả nước, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến khó lường như hiện nay.

Còn nhớ vào cuối năm 2003, đại dịch cúm gia cầm (H5N1) xảy ra và Việt Nam là điểm nóng. Hàng triệu gia cầm bị chết và bị tiêu hủy, thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều trường hợp cúm gia cầm lây sang người. Trước thực trạng trên, nhóm nghiên cứu - trong đó có TS Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) - đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 cho gia cầm”. Sau 5 năm, vắc xin cúm gia cầm H5N1 đã được sản xuất thành công. Nhờ đó, đến nay hàng trăm triệu liều vắc xin đã được sản xuất, góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng chống bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam.

“Niềm vui lớn nhất chính là chúng ta đã có thể chủ động được nguồn vắc xin để thay thế hoàn toàn hàng ngoại. Trong công trình này, sự làm chủ được công nghệ nuôi cấy virus cúm trên trứng gà có phôi và công nghệ tạo nhũ chính là điểm quyết định thành công”, TS Trần Xuân Hạnh cho biết. Sự thành công của đề tài ấy chính là các nhà khoa học Việt Nam đã có đủ trình độ tạo ra sản phẩm không thua kém thế giới.

Đó chỉ là một trong hơn 30 công trình khoa học liên quan đến lĩnh vực vi sinh vật và nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm do TS Trần Xuân Hạnh và đồng nghiệp thực hiện. Hầu hết các nghiên cứu đều được ứng dụng vào thực tiễn và mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng. 


 


Điều tự hào là hầu hết các nghiên cứu khoa học, các sáng tạo trong thời gian qua đều hướng đến nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống của nhân dân.




Sáng tạo từ thực tiễn 


Trước khi đứng lớp giảng dạy rồi trở thành Phó Trưởng khoa Cơ khí, thầy Nguyễn Quốc Đoàn (Bí thư Đoàn Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, TPHCM) cũng đã nếm trải đủ những khó khăn. Khi bén duyên với việc giảng dạy, thầy Đoàn dồn cả tâm huyết cho học viên. Đặc thù của học viên trong trường đều là những học sinh tốt nghiệp THCS, THPT rẽ hướng đi học nghề. Hiểu những hạn chế của học viên nên thầy Đoàn luôn trăn trở, quyết tìm tòi, sáng tạo để có phương pháp giảng dạy phù hợp nhất.

Sáng kiến “Một số giải pháp tổ chức các hoạt động sáng tạo học thuật trong học sinh trường trung cấp” ra đời từ những trăn trở ấy. Thay bằng gò bó học viên trong những bài thi cuối kỳ hoặc thi tốt nghiệp, thầy Đoàn cho học viên làm bài tiểu luận, mô hình, học cụ về các vấn đề có trong môn học; tham gia cuộc thi, sân chơi trí tuệ, diễn đàn để trao đổi kiến thức cùng các giáo viên trong khoa. Qua đó giúp học viên xác định rõ kiến thức mình phải nắm, tự cải thiện bản thân sao cho phù hợp với xu thế học và hành hiện nay. 

Là học viên, làm nghề rồi mới trở thành thầy, có đầy đủ trải nghiệm và sự thấu hiểu, nên trong giảng dạy, thầy Đoàn luôn có sáng tạo để học viên tiếp thu bài tốt nhất. Mô hình phun xăng - đánh lửa Toyota 3S-FE là một trong những sáng kiến của thầy, giúp giáo viên của khoa có thêm giáo cụ trực quan trong môn học phun xăng điện tử.  Từ đó học viên ứng dụng ngay bài học lý thuyết vào thực hành.

Cũng theo thầy Đoàn, sinh thời Bác Hồ răn dạy ngành giáo dục “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, “Phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn”…, thấm nhuần lời dạy đó, thầy Đoàn đã không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học tại khoa cũng như nhân rộng ra các khoa khác trong trường.

Mở trang Thông tin quy hoạch TPHCM, anh Vũ Chí Kiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở QHKT TPHCM), thấy trong lòng rất phấn khởi. Năm 2017, khi làm việc ở Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức, anh Kiên đã mày mò phát triển ứng dụng về thông tin quy hoạch tại quận. Anh kể, khi còn học Trường Đại học Kiến trúc, anh đã chú ý đến bản đồ số (GIS). “Các nước phát triển như Australia, Singapore, Hàn Quốc… đều ứng dụng GIS rộng rãi. Tôi thấy đây là bản đồ rất hay, không chỉ ứng dụng để phục vụ chuyên môn quản lý quy hoạch mà còn rất hữu ích cho cộng đồng”, anh Kiên nhấn mạnh.

Về công tác tại Thủ Đức, được tiếp xúc nhiều với người dân, doanh nghiệp, anh Kiên thấy nhu cầu tìm hiểu thông tin về quy hoạch của đối tượng này rất lớn. Nhưng việc tìm kiếm thông tin không dễ dàng, phải liên hệ tới các cơ quan quản lý nhà nước và phải mất nhiều thời gian chờ. “Phải có cách gì tốt hơn mới được”, suy nghĩ này đã thôi thúc anh phác thảo để các đơn vị kỹ thuật xây dựng nên một ứng dụng giúp mọi người có thể tra cứu thông tin quy hoạch một cách dễ dàng. Đến nay bản đồ số đã phủ kín toàn bộ 24 quận huyện, người xem chỉ cần nhập thông tin số thửa đất, hoặc tọa độ lên ứng dụng sẽ cho ra mọi thông tin cần có. Cuối tháng 4 vừa qua, ứng dụng có thêm phiên bản tiếng Anh, qua đó đã đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về quy hoạch của các tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài.

“Dù chúng tôi không phải người đầu tiên nghĩ ra ứng dụng này, nhưng để làm được trong điều kiện thực tế của TPHCM là cả một quá trình dài với sự nỗ lực của rất nhiều người. Tôi vui vì công trình đã giúp ích được cho cộng đồng”, anh Kiên bày tỏ.

Theo NHÓM PV (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm