(GLO)- Sau 4 năm triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng tự nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, khiếm khuyết, rừng tự nhiên vẫn bị “chảy máu” bằng nhiều cách thức khác nhau.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2019, diện tích rừng tự nhiên của Tây Nguyên giảm gần 16.000 ha so với năm 2018; trong đó, tỉnh Đak Lak có diện tích rừng giảm nhiều nhất với hơn 11.000 ha. Trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 4.863 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Tại Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm nay, ngành chức năng đã phát hiện 237 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 17 vụ so với cùng kỳ năm ngoái; đã xử lý hành chính 181 vụ, hình sự 24 vụ; tịch thu 293,8 m3 gỗ và 126 phương tiện; thu nộp ngân sách trên 3,4 tỷ đồng. Mặc dù UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng-chống cháy rừng trong mùa khô nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra 3 vụ cháy gây thiệt hại 28,345 ha rừng. Theo kết luận của Bộ Chính trị, chỉ tiêu về độ che phủ rừng Tây Nguyên đến năm 2020 là 59%. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, độ che phủ rừng Tây Nguyên lại giảm 5,98% và chất lượng rừng tự nhiên ngày càng suy giảm. Trong khi đó, rừng Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị tàn phá.
Có thể nói, thực trạng phá rừng ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng là rất đáng báo động! Nói cách khác, chúng ta đang “vay” của rừng những món nợ rất lớn với mức lãi suất cắt cổ. Theo đó, khí hậu Tây Nguyên và những vùng phụ cận biến đổi theo hướng tiêu cực, lũ lụt, hạn hán và sạt lở đất xuất hiện với tần suất ngày càng dày và gay gắt; hệ động-thực vật quý hiếm giảm dần, một số loài đã bị tuyệt chủng và một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Ảnh minh họa: Internet |
Làm gì để bảo vệ rừng Tây Nguyên? Đây là vấn đề thời sự và là câu hỏi đặt ra cho các cấp chính quyền trong khu vực.
Theo chúng tôi, để bảo vệ rừng thì điều tiên quyết là phải xác định cho được các nhân tố liên quan đến rừng. Nhân tố thứ nhất đương nhiên là các chủ rừng, bao gồm: các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, UBND cấp xã, các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng và người dân sống gần rừng. Nhân tố thứ hai gồm các đối tượng chuyên khai thác, vận chuyển, tiêu thụ trái phép tài nguyên rừng và người dân tiếp tay cho các đối tượng phá rừng. Nhân tố thứ ba là lực lượng Kiểm lâm có nhiệm vụ giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.
Sở dĩ rừng vẫn bị tàn phá là bởi các chủ thể quản lý, bảo vệ rừng đang “có vấn đề”. Theo phản ánh của Chủ tịch UBND huyện Kbang tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 do UBND tỉnh tổ chức thì hoạt động của các công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể là lãnh đạo một số đơn vị có biểu hiện buông lỏng quản lý, trong khi đó, nguồn nhân lực đã mỏng lại còn tập trung cho khu vực hành chính, thiếu nhân viên trực tiếp bảo vệ rừng. Mặc dù mô hình hoạt động của các công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ bộc lộ nhiều bất cập nhưng ngành chủ quản vẫn chưa tìm ra giải pháp để khắc phục triệt để. Mặt khác, việc quản lý, bảo vệ phần rừng được giao của UBND cấp xã cũng trong tình cảnh “cha chung không ai khóc”… Bên cạnh những “khoảng trống” từ phía chủ rừng thì hoạt động của đội ngũ Kiểm lâm vẫn còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Theo đó, tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, thậm chí cấu kết với lâm tặc để phá rừng vẫn còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ Kiểm lâm. Đây là một trong những kẽ hở để các đối tượng phá rừng tồn tại và hoạt động ngày càng manh động trong thời gian qua.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có lệnh đóng cửa rừng tự nhiên nhưng những con số thống kê về diện tích rừng bị phá hàng năm khiến chúng ta không khỏi giật mình. Rõ ràng, chúng ta mắc nợ mẹ thiên nhiên nói chung và những cánh rừng tự nhiên nói riêng. Muốn trả được món nợ ấy, ngay từ bây giờ, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, các địa phương cần ưu tiên nguồn lực để trồng rừng, đặc biệt là triển khai có hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng.
DUY LÊ