Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Trần Văn Hải: Xứng danh chiến sĩ thi đua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 19 năm làm thợ cạo mủ, anh Trần Văn Hải-công nhân Đội sản xuất 15 (Công ty TNHH một thành viên 74, Binh đoàn 15) được tặng nhiều bằng khen, 5 năm liên tục là chiến sĩ thi đua. Hiện tại, Binh đoàn 15 đang hoàn tất hồ sơ đề nghị Bộ Quốc phòng công nhận anh là Chiến sĩ thi đua toàn quân.
Nói đến công việc cạo mủ cao su, có lẽ nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần chăm chỉ, cần cù là đủ. Nhưng khi trò chuyện với anh Trần Văn Hải, chúng tôi mới hiểu, ngoài đôi bàn tay khéo léo, người công nhân còn cần cả một quá trình phấn đấu, rèn luyện với bao mồ hôi, tâm huyết và sự sáng tạo.
Năm 2001, anh Hải được nhận vào làm công nhân cạo mủ tại Công ty 74. Qua 19 năm với biết bao thăng trầm có những lúc giá mủ xuống thấp, đời sống của người thợ gặp nhiều khó khăn nhưng anh vẫn gắn bó với vườn cây.
“Lúc trời mưa to, mọi người thì chạy đi tránh mưa, còn những công nhân cạo mủ cao su thì phải đứng dưới mưa bên cây cao su để chăm sóc, che chắn từng bát mủ để mủ không bị ướt. Vì chỉ cần dính nước mưa là mủ cao su bị hỏng, kém chất lượng”-anh Hải chia sẻ.
Anh Trần Văn Hải hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ cao su cho đồng nghiệp. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Anh Trần Văn Hải hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ cao su cho đồng nghiệp. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Thiếu tá Nguyễn Văn Trung-Đội trưởng Đội 15-nhận xét: Anh Hải là thợ giỏi của đơn vị; luôn khắc phục mọi khó khăn để thực hiện nghiêm các quy trình kỹ thuật trong khai thác mủ. Có những thời điểm giá mủ cao su xuống thấp, nhiều công nhân có thu nhập không cao. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật nên thu nhập của anh Hải vẫn ổn định trên 8 triệu đồng/tháng. Có nhiều năm, thu nhập bình quân hàng tháng của anh đạt trên 12 triệu đồng.
Không những cạo mủ giỏi, anh Hải còn tìm tòi sáng kiến đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2006, anh đề xuất ý kiến với lãnh đạo đơn vị cho thành lập tổ kỹ thuật và hướng dẫn mài dao cạo mủ trước mùa thu hoạch. Việc mài dao cạo mủ đã đem lại kết quả rõ rệt khi năng suất tăng 8-15% so với trước đó, đối với các đơn vị lao động nhận khoán năng suất tăng 10-20%. Đặc biệt, việc hao dăm (số lượng vỏ cạo quy định/năm) đã giảm xuống 15-20%. Sáng kiến này đã được Binh đoàn 15 nhân rộng và trở thành việc làm thường xuyên trước mỗi mùa cạo mủ.
Bên cạnh đó, anh Hải còn là một minh chứng tiêu biểu cho sự đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau của những công nhân Kinh và dân tộc thiểu số trong thực hiện mô hình gắn kết hộ. Theo đó, ngay sau khi Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 triển khai mô hình (năm 2006), gia đình anh Hải đã nhận gắn kết với hộ công nhân Rơ Lan Binh (làng Biă, xã Ia Chía, huyện Ia Grai). Mặc dù gia đình ông Binh có nhiều đất sản xuất nhưng do tập quán canh tác lạc hậu, cuộc sống trông chờ vào đồng lương cạo mủ nên cái nghèo cứ đeo đẳng.
Sau khi gắn kết, anh Hải đã hướng dẫn gia đình ông Binh trồng cà phê, cải tạo đất để trồng điều, trồng cao su tiểu điền. Đến nay, vợ chồng ông Binh đã có hơn 10 ha điều, 4 ha cao su, 1,5 ha cà phê. Mỗi năm, gia đình ông Binh thu nhập hàng trăm triệu đồng.
“Nếu không có gia đình anh Hải hướng dẫn cách trồng các loại cây công nghiệp thì bây giờ gia đình mình vẫn còn nghèo. Mỗi khi gia đình mình có việc gì cần, anh Hải đều đến giúp tận tình”-ông Binh bày tỏ.
Trao đổi với P.V, Thượng tá Khuất Bá Cao-Bí thư Đảng ủy Công ty 74-nhận xét: “Anh Trần Văn Hải là công nhân xuất sắc của Công ty. Không chỉ thực hiện tốt công việc được giao, anh còn có nhiều ý tưởng sáng tạo được áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài việc làm ở đơn vị, anh còn canh tác hơn 1 ha cao su và gần 1,5 ha điều mang lại thu nhập ổn định”.
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm